Đừng chủ quan để mất an toàn phòng cháy mùa nắng nóng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy, trong đó có những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng khiến không chỉ thiệt hại về người mà còn thiệt hại lớn về tài sản. Khởi nguồn của nguyên nhân gây cháy đều xuất phát từ ý thức chủ quan của con người trong việc chấp hành quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Còn chủ quan, lơ là công tác phòng cháy

Hà Nội đang bắt đầu vào giai đoạn cao điểm nắng nóng nên nguy cơ cháy, nổ ngày một tăng. Từ giữa tháng 5 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Điều đáng lo ngại, hầu hết các vụ cháy chủ yếu đều xảy ra vào ban đêm hoặc rạng sáng là thời điểm mọi người đang ngủ say nên luôn có nguy cơ thiệt hại rất lớn.

Điển hình, sáng sớm 4-6 vừa qua, tại 84 phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội đã xảy cháy tại kho chứa thực phẩm của Công ty cổ phần thương mại Đồng Huy Phát với diện tích khoảng 400m2. Điều đáng nói là cơ sở này đã nằm trong danh sách không bảo đảm yêu cầu về PCCC và bị CAQ Long Biên ra quyết định đình chỉ hoạt động vào tháng 7-2021. Tuy nhiên, việc không chấp hành quy định nên đã xảy ra hậu quả nói trên.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH- CAQ Long Biên tiếp cận xử lý vụ cháy tại phố Phú Viên

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH- CAQ Long Biên tiếp cận xử lý vụ cháy tại phố Phú Viên

Tiếp đến, đêm 9-6 lại xảy ra cháy nhà dân tại địa chỉ số 147 Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai. Rất may lực lượng cứu hỏa đã kịp thời hướng dẫn 5 người bị nạn thoát ra an toàn. Cơ quan công an sau đó đã phát hiện nguy cơ các nạn nhân mắc kẹt và tử vong là rất lớn bởi hiện trường vụ cháy cho thấy đó là căn phòng nơi nới, không đủ điều kiện thoát nạn, cứu nạn. Vụ cháy tại ngõ 48 Tràng Thi, phường Hàng Bông, Hoàn Kiếm xảy ra lúc 0h ngày 21-6 đã khiến 6 người trong gia đình bị mắc kẹt tại tầng thượng. Rất may mắn nhờ công tác tuyên truyền, tập huấn cho người dân về kỹ năng cứu nạn, thoát nạn, nên tại thời điểm phát hiện ra cháy, hàng xóm đã kịp thời phá cửa tầng 1 và sử dụng bình bọt dập tắt đám cháy ngay từ giai đoạn ban đầu. Nguyên nhân cháy theo xác định ban đầu là do chập điện tại tầng 1.

Lý giải nguyên nhân về việc chủ yếu cháy xảy về đêm và thời điểm này thường hay gây thiệt hại về người, Đại tá Nguyễn Trường Sơn - Phó trưởng CAQ Cầu Giấy phân tích: “Khi nắng nóng các gia đình thường sử dụng thiết bị điện liên tục trong thời gian dài. Các thiết bị này đã quá thời hạn mà không được bảo dưỡng dẫn đến mất ổn định, khi dòng điện mạnh sẽ gây chập cháy. Đặc biệt là ban đêm người dân đã ngủ say nên khi lửa bùng phát lớn mới phát hiện. Hơn nữa, khi phát hiện cháy thì hầu hết đều đang trong tình trạng nửa tỉnh nửa mơ, nên rất dễ mất bình tĩnh, mất phương hướng, hoảng loạn dẫn đến hậu quả khôn lường. Cùng với đó, nhiều gia đình vào mùa hè đóng kín phòng ngủ để bật điều hòa, khi xảy cháy lớn vẫn không hề hay biết nên dễ dẫn đến chậm xử lý đám cháy”.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàn Kiếm cứu nạn nhân mắc kẹt trong vụ cháy ở ngõ 48 Tràng Thi, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàn Kiếm cứu nạn nhân mắc kẹt trong vụ cháy ở ngõ 48 Tràng Thi, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Phòng ngừa bắt đầu từ ý thức

Đảm bảo an toàn PCCC chính là một cách tự cứu mình. Và muốn tự cứu được mình phải có kỹ năng, có kiến thức và có phương tiện. Qua khảo sát, hiện nay trên địa bàn Hà Nội, phần lớn người dân chưa tự ý thức trang bị thiết bị PCCC. Trên thực tế, đã có nhiều vụ cháy xảy ra, khi tường trình với cơ quan công an thì chủ nhà đã kể vanh vách việc phát hiện cháy, nhưng họ đều thừa nhận quá hoảng loạn nên không biết xử lý ra sao và cũng không có gì để dập lửa. Nhiều người chỉ biết chay ra tri hô hàng xóm, nhưng chính hàng xóm cũng không có phương tiện gì để hỗ trợ.

Qua khảo sát, đại đa số người dân khi được hỏi về công tác tự PCCC trong gia đình mình bằng cách nào thì đều có chung suy nghĩ chủ quan: “Nhà toàn bê tông cháy làm sao được”. Hoặc: “Khi nào cháy thì tôi gọi điện thoại cho Cảnh sát 114”. Về lý thuyết đúng là bê tông không tự phát cháy, nhưng hiện nay trong mỗi gia đình có chứa hàng trăm thứ vật dụng, nguyên liệu dễ cháy. Và khi cháy, đối với vị trí gần lực lượng cứu hỏa thì nguy cơ cháy lan sẽ thấp, còn những vi trí cách xa vài cây số, trong khi điều kiện hạ tầng giao thông luôn ách tắc thì khi cứu hỏa đến nơi sẽ chỉ là dập lửa, ngăn cháy lan, cháy lớn mà thôi. Nghịch lý trong công tác PCCC tại gia đình hiện nay là người dân có thể bỏ ra cả vài trăm triệu đồng mua đồ dùng, máy móc, ti vi, tủ lạnh phục vụ cuộc sống, nhưng rất ít người bỏ ra vài triệu đồng để tự trang bị bình bọt chữa cháy, lắp thiết bị cảm ứng báo cháy để khi có khói, có nhiệt sẽ báo động.

Châm ngôn đã có câu: “Nước xa không cứu được lửa gần”. Và người chữa cháy hiệu quả nhất là người phát hiện ra cháy đầu tiên. Do đó, việc trang bị kỹ năng, phương tiện PCCC tại gia đình sẽ là giảm nguy cơ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.

Lan tỏa các mô hình PCCC tại khu dân cư

Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (CATP Hà Nội) cho biết, nhằm hạn chế tối đa các vụ cháy và phòng cháy hiệu quả trong cao điểm hè 2022, đơn vị đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ. Trong đó, xác định trọng tâm là tuyên truyền, vận động người dân dỡ bỏ “chuồng cọp”, tạo lối thoát nạn thứ 2 tại các khu tập thể, chung cư. Cùng với đó là thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho các chủ cơ sở kinh doanh ngành nghề, dịch vụ…

Trong đó, mô hình “Khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy” mô hình “Nhà tôi có lối thoát nạn thứ 2” và “Nhà tôi tự trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” trong khu dân cư, tổ dân phố đang được triển khai mạnh mẽ tại cơ sở. Mô hình được xây dựng theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) nhằm huy động nhanh nhất lực lượng trong dân để chớp “thời điểm vàng” trong 5 - 7 phút đầu tiên khi xảy ra cháy. Qua đó củng cố và nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy của lực lượng cơ sở…

Phòng cháy, chữa cháy là tránh nhiệm của toàn dân. Xác định rõ nhiệm vụ quan trọng này, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động các biện pháp phòng ngừa cháy nổ, phát huy huy hiệu quả vai trò của lực lượng tại chỗ như lực lượng chữa cháy tại cơ sở doanh nghiệp, lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố. Tuy nhiên, để lực lượng này trở thành “những chiến sỹ cứu hỏa” tại địa bàn, lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp đã phải xây dựng kế hoạch, chiến lược dài hơi trong nhiều năm qua.

Trong đó, thường xuyên tập huấn, tuyên truyền nâng cao kỹ năng xử lý tình huống, phối hợp xử lý tình huống phức tạp khi xảy cháy. Cùng với biện pháp tuyên truyền, chủ động phòng ngừa và phối hợp thực tập phương án theo các chuyên đề tại cơ quan, xí nghiệp, khu chung cư cao tầng… lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Giám đốc CATP về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn PCCC và CNCH. Qua đó đã phát hiện, xử lý tạm đình chỉ và đình chỉ hàng trăm cơ sở không đủ điều kiện về an toàn PCCC.

Linh hoạt các biện pháp tuyên truyền, xây dựng thế trận an toàn PCCC và CNCH tại các cơ sở

CAQ Đống Đa thường xuyên phối hợp thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn tại khu dân cư, qua đó tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về công tác PCCC

CAQ Đống Đa thường xuyên phối hợp thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn tại khu dân cư, qua đó tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về công tác PCCC

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Giám đốc CATP Hà Nội về việc phòng ngừa hỏa hoạn, CAQ Đống Đa đã chủ động nhiều biện pháp, trong đó trước tiên xây dựng kế hoạch, phân công, phân nhiệm rõ cho từng CBCS phụ trách địa bàn cụ thể, rà soát, nắm bắt từng loại hình kinh doanh, cơ sở sản xuất, khu dân cư để qua đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa, tuyên truyền hiệu quả.

Đối với địa bàn quận Đống Đa, ngõ nhỏ, ngách sâu chiếm phần lớn, có hàng nghìn ngõ xe chữa cháy không thể tiếp cận gần được. Đây là hạn chế đối với công tác PCCC, khi có hỏa hoạn xảy ra sẽ xử lý kém hiệu quả. Tuy nhiên, để tối ưu công tác PCCC ban đầu, đơn vị đã tận dụng tối đa lực lượng cơ sở, khu dân cư qua công tác tuyên truyền, phát huy hiệu quả phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC.

Ngoài việc đơn vị có lực lượng tiếp cận chữa cháy bằng mô tô chữa cháy dễ len lỏi vào ngõ nhỏ thì lực lượng tại cơ sở khu dân cư đã được trang bị kỹ năng xử lý sự cố ban đầu. Để đảm bảo hiệu quả của lực lượng này, ngoài việc tập trung huấn luyện, trang bị kỹ năng thì việc thực tập phương án ở từng địa bàn, khu dân cư là những cuộc tập duyệt rất hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn chữa cháy.

Qua những buổi diễn tập, tuyên truyền nhằm tạo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng trong tổ chức chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, nắm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác chỉ huy điều hành của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp và lực lượng dân phòng. Cùng với đó để đánh giá chất lượng năng lực phối hợp của các đơn vị và đội dân phòng tại khu dân cư, khả năng hoạt động của trang thiết bị, phương tiện PCCC và CNCH được trang bị. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về PCCC và CNCH bằng tình huống thực tế để tác động sâu sắc, hiệu quả đến các cơ sở, khu dân cư đóng trên địa bàn cũng như trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở.

Thượng tá Nguyễn Minh Thành - Phó trưởng CAQ Đống Đa

Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC là biện pháp hữu hiệu để người dân nâng cao ý thức

CAQ Cầu Giấy tổ chức phát tờ rơi, hướng dẫn ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC đến các hộ dân

CAQ Cầu Giấy tổ chức phát tờ rơi, hướng dẫn ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC đến các hộ dân

Thay đổi nhận thức của người dân trong công tác PCCC không chỉ là tuyên truyền, xử lý, mà còn hướng tới các biện pháp để người dân chấp hành quy định một cách tự nguyện với quy định của pháp luật về an toàn PCCC. Để người dân thuận lợi trong việc thực hiện đầu đủ các quy định này, chúng tôi đã tổ chức “Hội Nghị triển khai thủ tục hành chính mức độ 3 - 4 trong lĩnh vực PCCC trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an”. Tại hội nghị, đại biểu đã được nghe phổ biến các quy định, văn bản triển khai về dịch vụ công trực tuyến.

Sau đó, triển khai các dịch vụ liên quan trực tiếp đến thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện bao gồm các nội dung như: Phục hồi hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và cá nhân; Cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ trên đường sắt (trừ vật liệu nổ công nghiệp); Cấp lại Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ thuộc loại 1, loại 2, loại 3, loại 4 và loại 9 bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trên đường thủy nội địa (trừ vật liệu nổ công nghiệp); Phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở; Cấp lại Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy; Cấp đổi Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy; Cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy; Cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ thuộc loại 1, loại 2, loại 3, loại 4 và loại 9 bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trên đường thủy nội địa (trừ vật liệu nổ công nghiệp). Tại đây, đơn vị đã giải đáp các thắc mắc và hướng dẫn các đơn vị trên địa bàn để kịp thời người dân có thể thực hiện ngay trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an nhằm bắt kịp xu hướng chuyển đổi công nghệ số của xã hội hiện nay vào công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn - Phó trưởng CAQ Cầu Giấy

Lắng nghe ý kiến nhân dân để hoàn thành tốt công tác PCCC

CAH Thanh Oai lắng nghe, trao đổi với người dân để làm tốt hơn nữa công tác PCCC

CAH Thanh Oai lắng nghe, trao đổi với người dân để làm tốt hơn nữa công tác PCCC

Mọi công tác an toàn PCCC đều xuất phát từ ý thức của con người. Có nhiều nguyên nhân xảy hỏa hoạn, song chủ yếu là yếu tố chủ quan, lơ là của người dân, cùng với đó là hạn chế cũng như sự bất cập trong việc thực hiện của các cơ sở, doanh nghiệp. Để giải quyết “cái gốc” của công tác phòng ngừa, đảm bảo PCCC an toàn, chúng tôi đã triển khai hội nghị “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, trong đó tập trung lắng nghe ý kiến về công tác PCCC trên địa bàn huyện.

Thực tế, hiện có nhiều doanh nghiệp nhỏ, quy mô nhà xưởng chỉ 1.000 - 2.000m2, việc đầu tư hệ thống PCCC đòi hỏi kinh phí lớn, khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, một số doanh nghiệp đã kiến nghị tiếp tục cải cách, rút ngắn thủ tục hành chính về PCCC giúp họ đầu tư nhanh, tận dụng cơ hội; đề nghị lực lượng cảnh sát PCCC thường xuyên kiểm tra hoạt động của hệ thống cảnh báo cháy sớm; tổ chức huấn luyện, diễn tập các tình huống sát với thực tế; đổi mới công tác tuyên truyền để nâng cao hiệu quả, ý thức của người dân và doanh nghiệp về PCCC, cứu nạn, cứu hộ, nhất là các khu chung cư, khu dân cư đông người; nắm được những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ; việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Từ đó, đơn vị đưa ra những giải pháp khắc phục, điều chỉnh hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; hướng tới mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Để đảm bảo công tác PCCC, hạn chế cháy nổ xảy ra, lực lượng Cảnh sát PCCC luôn chủ động nhiều biện pháp, trong đó tuyên truyền thường xuyên cùng với kiểm tra, hướng dẫn, an toàn về PCCC và CNCH. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp PCCC từ thiết kế, xây dựng đến vận hành, quản lý nhà xưởng, dự án đầu tư. Nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, sẵn sàng xử lý các tình huống cháy nổ ngay từ đầu. Nhờ đó thời gian qua, lực lượng cảnh sát PCCC đã giám sát việc thực hiện nghiêm quy định về công tác an toàn PCCC, nhiều vụ cháy đã được phát hiện, cứu chữa kịp thời, giảm thiểu thiệt hại.

Thượng tá Kim Văn Nghĩa - Phó trưởng Công an huyện Thanh Oai