“Đục nước béo cò”

(ANTĐ) - Làm cách nào kiểm soát được giá cả để các mặt hàng không “ăn theo” giá xăng dầu, nhất là tình trạng “té nước theo mưa” thậm chí “đục nước béo cò”? Đó là những băn khoăn, lo ngại của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp và người dân.

“Đục nước béo cò”

(ANTĐ) - Làm cách nào kiểm soát được giá cả để các mặt hàng không “ăn theo” giá xăng dầu, nhất là tình trạng “té nước theo mưa” thậm chí “đục nước béo cò”? Đó là những băn khoăn, lo ngại của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp và người dân.

Ai cũng hiểu việc tăng giá xăng dầu là tất yếu, không còn cách nào khác khi Chính phủ không thể tiếp tục “oằn vai” bù lỗ.

Đây là bước tăng đã được Chính phủ cân nhắc hết sức thận trọng. Dù tăng giá từ từ, tăng ít vẫn phải bù lỗ lớn, rồi đến lúc lại phải tăng tiếp. Chính phủ cũng lường trước rằng, mỗi lần giá xăng dầu tăng là dịp đẩy giá hàng hóa tăng theo, gây thêm khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Theo Bộ Tài chính, xăng dầu chỉ chiếm 0,9% trong rổ hàng hóa, nên khi xăng dầu tăng giá thì hàng hóa chỉ tăng giá từ 0,7-0,9%.

Cách tính này là đơn giản theo lý thuyết. Trên thực tế, với giá xăng dầu tăng 30% sẽ tác động mạnh đến các ngành vận tải, sản xuất sử dụng dầu diezel, đánh bắt hải sản... Đặc biệt là tác động rất mạnh đến yếu tố tâm lý thị trường. Con cá, cân thịt, cân gạo, bát phở cũng có thể vin vào xăng mà tăng theo. Chính phủ đã đưa ra các biện pháp phòng chống như kiểm soát giá cả các mặt hàng, chống “đục nước béo cò” - đầu cơ, buôn lậu. Mục tiêu duy nhất là sao cho giá xăng dầu ít gây phản ứng dây chuyền, giảm thiểu ảnh hưởng xấu lên đời sống người dân. Các giải pháp này có khả thi hay không phụ thuộc phần lớn vào nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước. Chính phủ phải nhanh tay đưa ra công cụ đủ sắc bén để kiểm soát thị trường, chống đầu cơ tăng giá bất hợp lý, đặc biệt cần xử lý nghiêm tình trạng “đục nước béo cò”.

Một quan chức Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính thừa nhận rằng, việc kiểm soát giá, ngay cả xử phạt vi phạm Pháp lệnh Giá là điều không dễ gì. Muốn chặn trước “làn sóng” tăng giá ồ ạt đang mấp mé ngoài thị trường, Bộ Tài chính đang hối hả hoàn tất thông tư hướng dẫn các địa phương thực hiện Nghị định 75 quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Giá, dự kiến sẽ ban hành ngay trong tháng 7 này. Cho dù “nước đã đến chân...”, nhưng vẫn còn kịp xoay xở trước khi quá muộn. Theo đó, các mặt hàng tăng liên tục trong tối thiểu 30 ngày như xi măng, thép, giá cước vận chuyển tăng 20%; gạo tẻ thường tăng 25% so với giá thị trường trước khi có biến động giá thì phải có các biện pháp bình ổn. Các hình thức chế tài, biện pháp xử phạt vi phạm về giá lâu nay chưa đủ sức răn đe. Không niêm yết giá hoặc niêm yết không đúng quy định mà chỉ phạt 100.000-200.000 đồng thì ai sợ? Rõ ràng đã đến lúc phải thẳng tay, mạnh tay hơn.

Hành vi đầu cơ, ép giá “đục nước béo cò”, theo Bộ Tài chính, mức phạt tối đa hiện nay là 30 triệu đồng, có thể phải nâng lên mức 60 triệu đồng. Xử phạt tiền là một chuyện, làm sao ngăn chặn được những hoạt động kiếm lời trên nỗi khó khăn, đời sống đắt đỏ của cả xã hội, nếu chỉ “nhẹ nhàng” xử phạt hành chính, nặng lắm thì rút giấy phép kinh doanh? Ngay cả mặt hàng thuốc tây, qua đợt kiểm tra hồi đầu tháng 7 này, rất nhiều cửa hàng thuốc không niêm yết giá, hoặc giá niêm yết cao vọt hơn quy định, vậy mà bên y tế, quản lý thị trường cũng chỉ “rỉ” tai “nhắc nhẹ, nặng hơn thì phạt “ví dụ” vài trăm nghìn đồng.

Theo dự thảo thông tư của Bộ Tài chính sắp ban hành, chỉ có 14 mặt hàng thiết yếu mới phải niêm yết, công khai và kê khai giá như xăng dầu, sắt, thép, gas, thuốc chữa bệnh cho người, lúa, gạo... Có nghĩa là, những mặt hàng “lặt vặt” nhưng lại không thể sống thiếu được, vẫn có cơ hội tranh thủ “đục nước béo cò”. Đây là vấn đề cần phải nhìn nhận một cách thấu đáo, cụ thể hơn.

Đan Thanh