Đua nhau xả “lậu” chất thải ra môi trường

ANTĐ - Vấn nạn xả “lậu” chất thải của các doanh nghiệp đã đến hồi báo động nhưng xem ra đó là một “căn bệnh mãn tính”, ngày càng diễn biến theo chiều hướng phức tạp…

Thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đăk Nông đã liên tục phát hiện hàng loạt cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh đã xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Hệ thống xử lý nước thải của Cty Thiên Thành Đắc chỉ thiết kế một cách sơ sài gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân.

“Liên tiếp” vi phạm

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, đã có hàng chục cơ quan, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn đã bị Phòng Cảnh sát Môi trường “sờ gáy” vì hành vi vi phạm những nguyên tắc bảo vệ môi trường. Đơn cử như ngày 24-5, UBND tỉnh đã có quyết định xử phạt Nhà máy Mía đường Đăk Nông (thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Đăk Nông) số tiền 225 triệu đồng vì đã có hành vi “xả nước thải vượt tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng tại khu vực hạ lưu sông Sêrêpốk” khiến đoạn sông dài hơn 1km bị ô nhiễm nghiêm trọng, cá chết nổi trắng sông. Ngày 1-6, ông Ngô Xuân Lộc, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô đã ký quyết định xử phạt nhà máy chế biến bột giấy và giấy các loại thuộc chi nhánh Công ty TNHH Thiên Thành Đắc (tại thôn Phú Thuận, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô) số tiền 22 triệu đồng vì hành vi xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của hàng trăm người dân trong địa bàn.

Đua nhau xả “lậu” chất thải ra môi trường ảnh 2
 Cửa xả nước thải của nhà máy Mía đường Đăk Nông đen kịt chưa qua xử lý được xả trực tiếp ra sông Sê rê pốk.

Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước thái độ thách thức của các doanh nghiệp thì ngày 29-6, Cảnh sát môi trường đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt Bệnh viện Đa khoa huyện Đăk R’lấp số tiền 375 triệu đồng vì hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện này được xây dựng từ năm 2002 đến nay đã hư hỏng và đang trong tình trạng “đắp chiếu”. Dung tích nước thải mà bệnh viện này thải ra môi trường mỗi ngày đạt đến 12m3.

Tiếp đến ngày 30-6, UBND tỉnh lại ra quyết định xử phạt hành chính đối với Nhà máy chế biến tinh bột sắn (thuộc địa bàn xã Nâm N’Jang, Đăk Song) số tiền 70 triệu đồng vì hành vi xả “lậu” chất thải không qua xử lý. Trước đó, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện nhà máy này không thực hiện việc giám sát chất thải và xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân địa phương.

Đâu là nguyên nhân?

Thực trạng trên cho thấy tình trạng vi phạm nguyên tắc bảo vệ môi trường của nhiều cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đang diễn biến khá phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức về bảo vệ môi trường của một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và cả các nhà quản lý còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các hộ chăn nuôi vẫn không xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường mà còn có biểu hiện đối phó với các cơ quan chức năng.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp đã có ý thức bảo vệ môi trường rất tốt nhưng việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường còn hạn chế dẫn đến tình trạng lúng túng trong việc tìm kiếm, lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện chi phí đầu tư và các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về môi trường. Theo tìm hiểu, để đầu tư một hệ thống xử lý nước thải có công suất từ 60 đến 500 m3/ngày đêm, loại B, tiêu chuẩn TCVN 5945-1995 thì doanh nghiệp phải bỏ ra số tiền từ 800 triệu đồng đến 3,5 tỷ đồng, chưa kể chi phí đầu tư xây dựng mặt bằng và đào tạo nhân lực vận hành. Rõ ràng đây là một số tiền không nhỏ đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.

Trao đổi về vấn đề trên, Thượng tá Phan Phước Đức - Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đăk Nông cho biết: Để nâng cao hiệu quả ngăn chặn, xử lý các vi phạm gây ô nhiễm môi trường, thiết nghĩ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và mỗi cá nhân cần xác định đây là nhiệm vụ chung của cả cộng đồng, từ đó chung tay nỗ lực đưa ra các biện pháp ngăn chặn, xử lý thích hợp. Các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải chủ động đầu tư thiết bị, máy móc công nghệ phục vụ công tác bảo vệ môi trường. Các cơ quan chức năng tăng cường hỗ trợ, chuyển giao công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường, thẩm định và giới thiệu các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp với khả năng của các cơ sở sản xuất; tăng cường công tác thanh tra và có chế tài đủ mạnh, xử lý các vi phạm; kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính, xử lý nghiêm với các cơ sở cố tình vi phạm, chậm tiến độ.