Dự thảo Nghị định: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -
Sử dụng không gian mạng can thiệp vào hoạt động giao dịch, thay đổi tài khoản nhận tiền để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt từ 60-80 triệu đồng

Sử dụng không gian mạng can thiệp vào hoạt động giao dịch, thay đổi tài khoản nhận tiền để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt từ 60-80 triệu đồng

Mục 5

VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG, CHỐNG HÀNH VI SỬ DỤNG KHÔNG GIAN MẠNG, CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ ĐỂ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI

Điều 40: Vi phạm quy định phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để̉ xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Đăng tải thông tin mua, bán, trao đổi, cho tặng, thu thập, cho thuê, cho mượn, sử dụng trái pháp luật thông tin tài khoản thanh toán, tài khoản trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, tài khoản số, thông tin thẻ tín dụng trên không gian mạng;

b) Đăng tải thông tin mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm theo quy định pháp luật nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng;

c) Đăng tin kinh doanh vàng, ngoại hối trái pháp luật trên mạng viễn thông, Internet trên không gian mạng;

d) Đăng tin quảng cáo, mua bán, trao đổi, cho, tặng tiền giả, giấy tờ có giá giả, văn bằng giả, chứng chỉ giả, giấy tờ tùy thân giả trên không gian mạng;

đ) Đăng tin quảng cáo, mua bán giấy tờ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp trên mạng viễn thông, Internet trên không gian mạng.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Thiết lập trang thông tin điện tử, phần mềm, ứng dụng mạo danh cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản;

b) Phát tán tin nhắn, thư điện tử mạo danh cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

c) Tàng trữ, mua bán, trao đổi, cho tặng, cho thuê, cho mượn, sử dụng thiết bị, phần cứng, phần mềm có chức năng thu thập, sao chép, ghi nhớ thông tin, dữ liệu thẻ ngân hàng trừ các tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, chấp thuận;

d) Tàng trữ, mua bán, trao đổi, cho tặng, cho thuê, cho mượn, sử dụng thiết bị, phần cứng, phần mềm có chức năng in dập, xóa, ghi dữ liệu, sản xuất, làm thẻ ngân hàng trừ các tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, chấp thuận;

đ) Tác động, can thiệp trái phép vào hoạt động bình thường của hệ thống thông tin, phương tiện điện tử, phần cứng, phần mềm, máy giao dịch tự động (ATM) nhằm chiếm đoạt tài sản;

e) Sử dụng thông tin về tài khoản số của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

g) Sử dụng tiền, tài chính, vật chất yêu cầu người khác sử dụng số điện thoại để nhận tin nhắn hoặc cuộc gọi dùng để xác thực một lần đăng ký các tài khoản tài chính, tài khoản ngân hàng.

3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng không gian mạng can thiệp vào hoạt động giao dịch, thay đổi tài khoản nhận tiền để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản;

b) Sử dụng không gian mạng huy động vốn theo phương thức lấy tiền của người sau, trả lãi cho người trước để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản;

c) Kinh doanh theo phương thức đa cấp trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản;

d) Sử dụng không gian mạng lừa đảo trong giao dịch chứng khoán để chiếm đoạt tài sản;

đ) Sử dụng không gian mạng kêu gọi từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản;

e) Chiếm đoạt, thu thập, tàng trữ, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản số của người khác;

g) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản số của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

h) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền Internet;

i) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

k) Xâm nhập, tấn công hệ thống thông tin phục vụ các hoạt động giao dịch tiền tệ, tài chính, chứng khoán hoặc tài sản khác có thể chuyển nhượng trên không gian mạng.

l) Thiết lập sàn kinh doanh vàng, ngoại hối trái pháp luật trên mạng Internet;

m) Thanh toán khống hàng hóa, dịch vụ tại đơn vị chấp nhận thanh toán.

4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với những hành vi sau:

a) Thiết lập hệ thống thông tin, trang thông tin điện tử, ứng dụng, sàn giao dịch cho vay ngang hàng, tiền ảo, tài sản ảo và các dạng tương tự khi chưa được cấp phép, chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền;

b) Thiết lập hệ thống thông tin, trang thông tin điện tử, ứng dụng, sàn giao dịch ngoại tệ, kim loại, dầu, đá quý và các dạng tương tự khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, chấp thuận.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động hệ thống thông tin, Cổng thông tin điện tử từ 01 tháng đến 03 tháng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều này;

b) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc gỡ, xóa thông tin có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế;

b) Công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng về hành vi vi phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế;

c) Buộc thu hồi số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều này.

Điều 41: Vi phạm quy định phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử xâm phạm trật tự xã hội

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đánh bạc trên không gian mạng;

b) Đăng tải thông tin quảng cáo trò chơi đổi thưởng trái phép, đánh bạc, tổ chức đánh bạc trên không gian mạng;

c) Đăng tải thông tin quảng cáo bán dâm, khiêu dâm, đồi trụy trên không gian mạng;

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Thiết lập hệ thống thông tin, trang thông tin điện tử, ứng dụng để tổ chức đánh bạc trái phép trên không gian mạng;

b) Cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, phần cứng, phần mềm, thanh toán, trung gian thanh toán; thiết lập trang/cổng thông tin điện tử, ứng dụng có nội dung xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan tới sở hữu công nghiệp.

c) Thiết lập hệ thống thông tin, trang thông tin điện tử, ứng dụng có nội dung khiêu dâm, đồi trụy;

d) Tổ chức quay phim, phát hình ảnh trực tuyến có nội dung khiêu dâm, đồi trụy trên hệ thống thông tin, trang thông tin điện tử, mạng xã hội;

đ) Cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, phần cứng, phần mềm, dịch vụ khác hỗ trợ, phục vụ hoạt động quay phim, phát hình ảnh trực tuyến nội dung khiêu dâm, đồi trụy;

e) Không kiểm duyệt, ngăn chặn, loại bỏ nội dung khiêu dâm, đồi trụy trên hệ thống thông tin, trang thông tin điện tử, mạng xã hội;

g) Đăng tải thông tin mua, bán trái phép chất ma túy, chất cấm trên không gian mạng;

h) Đăng tải thông tin mua bán công thức, phương pháp điều chế, tiền chất, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy, chất cấm trên không gian mạng;

i) Đăng tải thông tin mua, bán mô, bộ phận cơ thể người, người trên không gian mạng;

k) Đăng tải thông tin hướng dẫn, dụ dỗ, lôi kéo, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng;

l) Đăng tải thông tin quảng cáo dịch vụ cho vay lãi vượt quá lãi suất tối đa quy định trong Bộ luật dân sự trên không gian mạng;

m) Đăng tải thông tin mua, bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu Công an nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam trên không gian mạng.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động hệ thống thông tin, sản phẩm, dịch vụ từ 01 tháng đến 03 tháng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại khoản 1, 2 Điều này;

b) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2 Điều này.

Điều 42. Vi phạm quy định về xác thực, định danh, bảo mật tài khoản số

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không xác thực, định danh bằng giấy tờ tùy thân hợp pháp đối với tài khoản số phục vụ các hoạt động giao dịch tiền tệ, tài chính, chứng khoán hoặc tài sản khác có thể chuyển nhượng trên không gian mạng;

b) Không có biện pháp cảnh báo chủ sở hữu khi tài khoản số phát sinh giao dịch tiền tệ, tài chính, chứng khoán hoặc tài sản khác có thể chuyển nhượng trên không gian mạng;

c) Không lưu trữ thông tin thiết bị, địa chỉ IP, thời gian đăng nhập của tài khoản số tối thiểu 90 ngày;

d) Không tạm dừng giao dịch tài khoản số phục vụ các hoạt động giao dịch tiền tệ, tài chính, chứng khoán hoặc tài sản khác có thể chuyển nhượng trên không gian mạng khi phát hiện có sai sót, nhầm lẫn, bị lộ lọt thông tin hoặc khi có thông báo, yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng;

đ) Sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác để xác thực tài khoản số;

e) Sử dụng giấy tờ tùy thân giả, tạo lập, chỉnh sửa, cắt ghép hình ảnh giấy tờ tùy thân hoặc các thủ đoạn gian dối khác để xác thực tài khoản số;

g) Định danh không chính xác thông tin chủ tài khoản số phục vụ các hoạt động giao dịch tiền tệ, tài chính, chứng khoán hoặc tài sản khác có thể chuyển nhượng trên không gian mạng;

h) Định danh bằng phương thức điện tử không chính xác thông tin chủ tài khoản số phục vụ các hoạt động giao dịch tiền tệ, tài chính, chứng khoán hoặc tài sản khác có thể chuyển nhượng trên không gian mạng.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động hệ thống thông tin, sản phẩm, dịch vụ từ 01 tháng đến 03 tháng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Chương III

THẨM QUYỀN LẬP BIÊN BẢN VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 43. Thẩm quyền của Công an nhân dân

1. Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ thuộc Công an cấp tỉnh; Trưởng Công an cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 40.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ và k khoản 1 Điều 28 của Luật Xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định này.

2. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ, i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này.

3. Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật Xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định này.

4. .............................quyết định mức phạt tiền đến gấp 5 lần mức phạt tiền đối với các hành vi hoặc 5% doanh thu của doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam;

Điều 44. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Thông tin và Truyền thông

1. Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở Thông tin và Truyền thông có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền không vượt quá 40.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điểm b Khoản này;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử phạt vi phạm hành chính.

2. Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục trưởng Cục Viễn thông, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Cục trưởng Cục An toàn thông tin có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 45. Thẩm quyền xử phạt của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền không vượt quá 50.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điểm b Khoản này;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, h, i và k Khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền không vượt quá 100.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định này.

Điều 46. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng được quy định tại Điều... Nghị định này.

2. Người có thẩm quyền, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, người thuộc lực lượng Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

3. Công an viên có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi quản lý của địa phương.

Điều 47. Nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt

1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người có thẩm quyền quy định tại các Điều... Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 (hai) lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.

2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các lực lượng thuộc Công an nhân dân thực hiện theo quy định tại Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều … Nghị định này theo chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực, địa bàn mình quản lý.

3. Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 42 Mục 5 Chương II Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều … Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 48. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2021.

2. Từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các nghị định, hành vi vi phạm quy định tại các nghị định sau đây hết hiệu lực thi hành:

a) Điểm b khoản 3 Điều 77; Điều 84; Điều 85; Điều 86; điểm a, b khoản 2 Điều 99; điểm b, d khoản 3 Điều 99; điểm a, b khoản 3 Điều 100; điểm a, b, d, e, h khoản 1 Điều 101; điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 101; điểm c, d, đ khoản 2 Điều 102; điểm d, n khoản 3 Điều 102; điểm b khoản 4 Điều 102; điểm a và b khoản 7 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử;

b) Điểm a khoản 5 Điều 42 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Điều 50. Quy định chuyển tiếp

1. Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng xảy ra trước khi Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm.

2. Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành, mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các Nghị định chuyên ngành khác có liên quan.

Điều 51. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn và tổ chức thi hành Nghị định này.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.