Du lịch - cây cầu hòa bình

ANTĐ - Không chỉ là một ngành công nghiệp mũi nhọn, động lực cho phát triển kinh tế mà du lịch đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hướng tới một thế giới thống nhất, cởi mở và vị tha hơn.

Du khách quốc tế đi xích lô khám phá phố cổ Hà Nội

Du lịch vẫn đang là ngành "công nghiệp không khói" có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định bậc nhất trên thế giới. Càng đáng kể hơn khi sự tăng trưởng này có được bất chấp mối đe doạ của nạn khủng bố quốc tế.

Thập niên qua bắt đầu bằng sự kiện khủng bố chấn động 11-9-2001 nhằm vào nước Mỹ, gây nhiều biến động cho hàng không và du lịch song ngành "công nghiệp không khói" của thế giới vẫn tăng trưởng vượt bậc.

Năm 2000, du khách quốc tế đạt 687 triệu nhưng đã tăng lên 935 triệu khách vào năm 2010 kết thúc thập kỷ. Doanh thu du lịch toàn cầu cũng tăng gấp đôi trong thời gian này từ 482 tỷ USD lên 900 tỷ USD.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ngành du lịch và lữ hành hiện tạo ra 9% tổng thu nhập toàn cầu và cung cấp hơn 235 triệu việc làm trong năm 2010, tương đương 8% tổng việc làm toàn cầu. Theo Ban chỉ đạo của LHQ về du lịch vì sự phát triển (SCTD), du lịch ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, việc làm, thu nhập cho các nước đang phát triển.

Tổng Thư ký Tổ chức du lịch thế giới của LHQ (UNWTO) Taleb Rifai cho rằng, thập niên 2011-2020 sẽ là thập niên bùng nổ của du lịch và lữ hành toàn cầu. Du lịch là lĩnh vực kinh tế có thể thúc đẩy cả 3 trụ cột của phát triển bền vững: tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và bền vững môi trường.

Khi thế giới đang trong quá trình tái cân bằng để thoát khỏi mô hình tăng trưởng trì trệ hiện hành, du lịch có thể đi đầu để đạt được một thập niên mới tăng trưởng công bằng hơn, mạnh mẽ hơn và bền vững hơn trở thành động lực hiệu quả nhất của phát triển. Làn sóng thứ hai của khu vực dịch vụ, trong đó có du lịch, sẽ nổi lên khi mà những lĩnh vực kinh tế truyền thống đã mất động lực tăng trưởng.

Cùng với vai trò kinh tế-xã hội, du lịch thông qua các hoạt động giao lưu, tìm hiểu văn hoá, lịch sử, phong cảnh, tập quán... của gần 1 tỷ người khắp thế giới mỗi năm, dự báo tăng lên 1,6 tỷ năm 2020, còn giúp tăng cường hiểu biết quốc tế và tôn trọng lẫn nhau, thúc đẩy đối thoại và cùng hành động. Trong thông điệp nhân Ngày Du lịch thế giới (27-9), Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định, du lịch đã trở thành động lực cho một thế giới thống nhất, cởi mở và vị tha hơn.

Theo Tổng thư ký LHQ, du lịch xây dựng những cây cầu và góp phần thúc đẩy hòa bình, những giao thoa giữa các dân tộc có phông văn hóa khác nhau chính là nền tảng của sự khoan dung và vị tha. Nhấn mạnh chủ đề của Ngày Du lịch thế giới năm 2011 là “Du lịch nối kết các nền văn hoá”, ông Taleb Rifai nêu rõ, du lịch góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa các dân tộc bất kể sự khác nhau về tôn giáo và văn hóa. Trao đổi văn hóa thông qua du lịch thúc đẩy đối thoại giữa các dân tộc, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau và mục tiêu cao nhất là hòa bình.

Du lịch kết nối các nền tảng kinh tế, văn hoá xã hội cũng như lối sống khác nhau đã mở ra cơ hội lớn để thúc đẩy sự khoan dung, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.