- 1.500 tỷ đồng bồi thường dự án thoát nước
- Không lùi tiến độ các dự án trọng điểm
- Dân mong đẩy nhanh thi công ống cống cắt ngang phố Liễu Giai
Dự án thoát nước thi công kéo dài ảnh hưởng tới đời sống người dân
Dân bức xúc vì dự án kéo dài
Những ngày qua, người dân tại các quận nội thành phản ánh tới Báo An ninh Thủ đô tình trạng thi công kéo dài của một số hạng mục thuộc dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II, ảnh hưởng tới sinh hoạt. Đơn cử, tại ngõ 360, phố Xã Đàn (quận Đống Đa), hạng mục cống hóa ở khu vực này đã kéo dài gần 3 năm nay nhưng chưa kết thúc. Tương tự, gói thầu cống hóa mương từ Tôn Thất Tùng sang Khương Thượng (quận Đống Đa) cũng “dàn hàng ngang” thi công mãi không xong. Đường sá lúc nào cũng ngổn ngang máy móc, lổn nhổn đất đá, khiến người dân đi lại rất khó khăn và làm ô nhiễm môi trường sống trong khu vực.
Nằm giáp ranh giữa quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai, gói thầu tuyến cống Lò Đúc - Kim Ngưu thi công đã gần 3 năm vẫn chưa thể hoàn thành. Gần đây, người dân lại thấy đoạn cống đầu phố Kim Ngưu được đào xới lên, không biết bao giờ mới hoàn thành. Trong khi đó, một số hạng mục cống hóa trên địa bàn phường Mai Động (quận Hoàng Mai) vẫn đang thi công dở dang. Người dân nơi đây bức xúc vì đơn vị thi công cầm chừng và ảnh hưởng tới an toàn giao thông cũng như vệ sinh môi trường.
Nút thắt gỡ gần 9 năm chưa xong
Kiểm điểm lại tiến độ của dự án, Ban quản lý dự án thoát nước (Sở Xây dựng Hà Nội) thừa nhận, dự án vẫn còn 4/16 gói thầu đang thi công. Trong đó, các gói thầu cải tạo kênh mương thoát nước lưu vực Tô Lịch, Hoàng Liệt, Lừ, Sét; cải tạo kênh mương thoát nước lưu vực sông Kim Ngưu; cải tạo hồ Phương Liệt, Tân Mai, Khương Trung 1&2… là những ví dụ điển hình.
BQL dự án thoát nước chỉ rõ, thủ phạm chính làm dự án chậm trễ, kéo dài thời gian thi công là công tác GPMB. Dự án bắt đầu triển khai GPMB từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa xong. Dù đã được Thành ủy, UBND TP Hà Nội và các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sát sao, tổ chức kiểm tra, họp kiểm điểm hàng tháng để tháo gỡ những tồn tại nhưng tới nay, trên địa bàn 6 quận liên quan vẫn còn tồn đọng hơn 140 phương án GPMB. Trong đó, nhiều nhất là quận Đống Đa, với 112 phương án cho hạng mục đường dọc sông Lừ và các tuyến kênh mương.
Tiếp đó, quận Hoàng Mai còn tồn tại 23 phương án; các quận Ba Đình, Thanh Xuân đều còn 3 phương án... “Công tác bàn giao mặt bằng không liền tuyến, “xôi đỗ” nên thi công bị đứt đoạn, không thể làm liên tục. Cùng đó, đặc thù của dự án là trong nội thành, mặt bằng thi công nhỏ, hẹp nên không thể tổ chức được nhiều mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ...”, đại diện BQL dự án thoát nước giải thích.
Cho biết các hạng mục tồn đọng đã hoàn thành trên 90% khối lượng công việc, BQL dự án thoát nước cam kết, nếu có mặt bằng sạch, công tác thi công của toàn bộ dự án sẽ cơ bản hoàn thành vào tháng 6-2016, theo đúng tiến độ điều chỉnh đã được UBND TP và nhà tài trợ JICA (Nhật Bản) chấp thuận.
Chưa thể hết ngập
Mục tiêu của dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II là chống ngập úng do nước mưa cho đô thị lõi của Thủ đô trong lưu vực sông Tô Lịch (có ranh giới từ sông Tô Lịch đến sông Hồng), với diện tích 77,5km2. Nhiều người nghĩ rằng, dự án xong thì nội thành sẽ không bao giờ còn phải chịu cảnh úng ngập nhưng thực chất không phải như vậy.
Thực tế, chu kỳ bảo vệ của dự án được tính toán là 10 năm đối với sông và mương thoát nước ứng với lượng mưa là 310mm/2 ngày (giai đoạn I là 172mm/2 ngày), chu kỳ 5 năm đối với hệ thống cống ứng với lượng mưa là 70mm/giờ. Thế nên, sau những trận mưa cấp tập trong vòng vài giờ với lượng mưa lớn lên tới hàng trăm milimet, một số “điểm đen” ở nội thành vẫn bị ngập cục bộ. Tất nhiên, thời gian bị ngập đã rút ngắn hơn trước rất nhiều.
Đại diện BQL dự án thoát nước nói: “Sau khi phần lớn các hạng mục của dự án II hoàn thành, ở khu vực nội thành, thời gian ngập úng và số “điểm đen” đã giảm đáng kể. Từ tháng 6-2016, khi dự án hoàn thành toàn bộ, tình hình ngập úng ở nội thành sẽ tiếp tục được cải thiện”.
Khối lượng GPMB của dự án quá lớn, trải dài trên 8 quận, huyện (60 phường, xã) với gần 9.000 phương án GPMB. Đã vậy, dự án có rất nhiều trường hợp GPMB đặc biệt, phải xin bổ sung cơ chế, chính sách trước khi hoàn thành phê duyệt phương án đền bù.