Đột phá mới trong y học: Có thể "biến" nhóm máu A, B thành nhóm máu O

ANTD.VN - Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà ở rất nhiều quốc gia khác, nhóm máu O đã ngày càng trở nên khan hiếm, khiến cho việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân càng trở nên khó khăn hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra một số loại vi khuẩn có trong ruột người có thể là bước đệm trong phương pháp biến đổi máu của người hiến tặng bất kể thuộc nhóm máu nào chuyển sang nhóm máu O phổ biến và có thể truyền cho bất kỳ bệnh nhân nào. Đây có thể là một bước đột phá lớn nhất trong ngành y học hiện nay.

Đột phá mới trong y học: Có thể "biến" nhóm máu A, B thành nhóm máu O ảnh 1Ngân hàng dự trữ nhóm máu O luôn rơi vào tình trạng khan hiếm (Ảnh minh họa) 

Phương pháp điều trị y tế đột phá

Con người chúng ta có 4 nhóm máu chính, đó là: A, B, AB và nhóm máu O. Thực tế, số lượng tế bào hồng cầu trong mỗi nhóm trên đều khác nhau, nhưng chúng lại có sự khác biệt nhau về lượng đường và kháng nguyên trong đó. Cụ thể, nhóm máu A có chứa kháng nguyên A, nhóm máu B có chứa kháng nguyên B, nhóm máu AB có chứa cả 2 kháng nguyên A và B, còn lại nhóm máu O lại không có kháng nguyên. Do đó, chính việc nhóm máu O không chứa kháng nguyên nên nhóm máu này có thể tương thích với tất cả các nhóm máu khác, đồng thời nó cũng sẽ phù hợp với tất cả những người bệnh có nhóm máu khác mà không lo bị cơ thể người nhận đào thải vì nó không tương thích.

Ngoài ra, các nhà khoa học giải thích thêm rằng, còn có một loại protein gọi là yếu tố Rh (Rhesus) và nó cũng chỉ ra tình trạng của protein trong máu. Việc xác định và kiểm tra yếu tố Rh(+) và Rh(-) ở trong máu rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng rất nhiều đến thai nhi. Từ trước đến nay, chúng ta thường hiểu ngầm rằng nhóm máu O thường được gọi là “nhóm máu cho” vì nó có khả năng truyền cho tất cả mọi người chứa cả Rh(+) và Rh(-). 

Trong công trình nghiên cứu được công bố trong tháng 8 vừa qua tại Hội nghị Quốc gia và triển lãm của Hiệp hội Hóa học Mỹ lần thứ 256 tại Boston, Massachussets (Mỹ), nhà khoa học Steve Withers thuộc Đại học Bristish Colombia đã trình bày một công trình nghiên cứu vô cùng có ý nghĩa trong khoa học y học về cách biến đổi nhóm máu A, B thành nhóm máu O. Qua đó, Withers và các cộng sự của mình đã phát hiện một enzyme phân hủy có trong đường ruột của con người có khả năng tạo ra một phương pháp điều trị y tế đột phá, giải quyết tình trạng khan hiếm nhóm máu hiếm hiện nay.

Theo đó, khi tiến hành nghiên cứu, nhóm của Withers đã tìm kiếm enzyme phân hủy có khả năng tách một lớp tế bào khỏi lớp đường phủ lên chúng. Nhưng điều quan trọng nhất là bản thân enzyme này phải có khả năng hấp thụ đường khi nó đang tồn tại trong đường ruột. Khi một enzyme tách đường từ đường ruột, thường được gọi là dịch nhầy, và loại đường trong chất dịch này rất giống với các kháng nguyên hồng cầu. Sau đó, khi nhóm các nhà khoa học bổ sung thêm loại enzyme này vào nhóm máu A có yếu tố Rh(-), nó đã ăn các kháng nguyên và chuyển máu thành nhóm O Rh(-). “Chúng tôi phát hiện thấy lớp đường trên tế bào hồng cầu gần như tương đồng với các loại đường được sản sinh ra trên lớp lót thành ruột”, Withers chia sẻ.

Đẩy lùi sự cố y khoa

Hiện nay xảy ra không ít các sự cố y khoa khi trang thiết bị, vật tư y tế thiếu thốn, đặc biệt là ở các vùng chiến sự, nơi vùng sâu, vùng xa khiến cho bệnh nhân tử vong là điều đáng tiếc. Cụ thể hơn, tại các khoa cấp cứu việc thiếu nhóm máu hiếm như nhóm máu O cũng ngày càng trầm trọng. Do đó, “công nghệ kỹ thuật y học mới này sẽ mở ra nguồn cung cấp nhóm máu O dồi dào hơn, bởi nó phù hợp với mọi bệnh nhân”. Nếu được triển khai tại các vùng hẻo lánh hay nơi có chiến tranh nó sẽ bổ sung cho nguồn cung cấp máu dự trữ, cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân. 

Trước đây, từ năm 1982, các nhà khoa học đã lần đầu tiên chứng minh được con người có thể chuyển đổi nhóm máu B thành nhóm máu O nhờ sử dụng enzyme từ hạt cà phê xanh. Tuy nhiên, quy trình này đòi hỏi một lượng lớn enzyme khiến cho việc triển khai trên quy mô lớn là rất khó khăn. Và với phương pháp này của Withers và đồng nghiệp thì tốc độ chuyển đổi nhóm máu A, B thành nhóm máu O nhanh hơn các phương pháp trước đó đến 30 lần. 

Hiện tại, nhóm nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục kiểm tra lại, hoàn thiện hơn phương pháp của mình. Sau đó, họ sẽ tiếp tục cho triển khai thí nghiệm lâm sàng, điều này giúp ngăn chặn những tác dụng phụ không mong muốn trong tiến trình chuyển đổi và tiếp nhận máu. Hy vọng các nhà nghiên cứu sẽ sớm đưa ra phương pháp chuẩn về việc chuyển đổi nhóm máu này của các nhà khoa học thuộc Đại học Bristish Columbia. Đây chính là bước đột phá lớn trong ngành y học mà nhân loại đang cần để khắc phục tình trạng khan hiếm, cạn dần của các ngân hàng trữ máu hiện nay. Công việc cứu, chữa người sẽ “dễ thở” hơn đối với các y, bác sĩ.