Đồng tính - sống thật với chính mình để vượt qua kỳ thị

ANTĐ - Theo thống kê của các tổ chức, khoảng 3- 5% người có xu hướng quan hệ tình dục đồng giới. Đồng tính không phải là bệnh, cũng không lây lan.

"Tôi tìm mọi cách để mẹ tôi hiểu thế nào là đồng tính và nhận ra rằng con gái bà là Les nhưng đều vô hiệu. Đến khi tôi công khai sự thật thì cả gia đình lại phản ứng gay gắt, nhất là bố và anh trai tôi. Họ la mắng, thậm chí yêu cầu tôi sớm lập gia đình, dù cuộc sống hôn nhân có thể không hạnh phúc"- tâm sự Châu Loan cũng là nỗi lòng của rất nhiều đồng tính khi đối diện với cha mẹ và cộng đồng xã hội về giới tính khác biệt của mình.

Mẹ ơi, con là Les

Loan sinh ra trong gia đình có hai anh em. Bố làm công tác xã hội, còn mẹ là nội trợ trong gia đình. Từ nhỏ, Loan đã "cá biệt" hơn so với bạn nữ đồng lứa. Loan không thích những cô búp bê đủ màu sắc, chán ngấy với những bộ váy xòe dịu dàng, những kiểu tóc dài cặp cao, lư lắc Loan chỉ khoái "tóc ngắn, khoác những bộ đồ rộng thùng thình, đi chân đất đá bóng với các bạn. Bạn bè của Loan chủ yếu là... con trai. Bố mẹ có đôi lúc băn khoăn vì cá tính mạnh của cô, nhưng chỉ tặc lưỡi: "Có lẽ con mình hiếu động quá"

 

Mọi sự "hiểu lầm" giới tính kéo dài đến tận khi Loan bước qua tuổi 18. Vừa bước chân vào đại học, Loan đã bị hút hồn và ngày càng "có tình yêu" với một bạn nữ xinh đẹp, dễ thương trong trường. Lúc đầu, Loan tự cho đó là "niềm yêu thích cái đẹp" vì ngưỡng mộ vẻ đẹp của bạn nữ đó. Nhưng dần dần, tình cảm đó cứ lớn lên. Hễ đứng gần cô bạn, Loan lại có những cảm xúc rung động rất lạ. Điều khiến cô càng băn khoăn hơn là những rung cảm đó lại không hề có với những cậu con trai đã và đang theo đuổi cô.

Loan tìm hiểu trên sách, báo và tìm đến chuyên gia để xác định giới tính của mình. Cô thật sự sốc khi biết mình là người đồng tính. Tuy nhiên, điều cô lo lắng nhất là làm sao để mọi người chấp nhận sự thật này. Phải đến khi ra trường, cô mới đủ can đảm để công khai giới tính thực sự của mình. Liên tục nhiều tháng, Loan mua báo, tạp chí đăng tin bài về đồng tính, đặt lên bàn cho mẹ đọc. Không hiệu quả, Loan mời bạn gái (cũng là Les) về nhà chơi và cố tình bộc lộ cảm xúc gần gũi hơn mức bình thường với bạn ấy. Mẹ Loan chỉ nghĩ "hai đứa là đôi bạn thân" và đùa "trông có vẻ xứng đôi" bởi ngoại hình, tính cách mạnh mẽ của cô bạn khá hợp với con gái. Bà không hiểu ý đồ của Loan.

Một buổi tối, Loan tâm sự với mẹ về quan điểm đối với những người đồng tính, cô mới thành thật rằng chính con gái bà cũng là người thuộc giới tính thứ ba. Bà thực sự sốc Không chì chiết con, nhưng bà không ăn, không uống. Còn bố và anh trai cô thì coi đó là một điều khủng khiếp, đáng lên án và họ không thể chắp nhận được điều đó. Họ quát mắng và cấm cửa Loan, không cho ra ngoài. Thậm chí, bố Loan bắt con sớm phải lấy chồng, làm một người con gái binh thường, dù Loan bảo "cuộc sống gia đình sẽ không hạnh phúc"

Bản tính nhút nhát, yêu đuối, kèm theo những sở thích chỉ dành cho con gái khiến Duy Trường bị bạn bè liệt vào danh sách là “đứa con gái giả trai". Nhưng càng lớn, Trường càng thấy, mình "đặc biệt" hơn người khác Trường thích chơi với các bạn gái, rung động khi nhìn thấy cơ thể vạm vỡ của cậu bạn trai thân, thích được nâng niu, chiều chuộng. Những dấu hiệu đó cùng với lời trêu chọc của bạn bè khiến cậu tự nhốt mình trong vỏ ốc tự ti. Đến khi tham gia nhóm dành cho những người đồng tính, cậu mới thực sự là chính mình. Cậu đã thẳng thắn chia sẻ với mẹ về giới tính của mình, nói về giới tính thứ ba... Ban đầu, bà số nặng nhưng rồi bà cũng ở lại bên cạnh động viên con trai cố gắng để học tốt để phát triển bản thân.

Vượt qua chính mình

Nguyễn Hải Yến (30 tuổi) chưa bao giờ tin mình là người đồng tính. Yến luôn coi mình là một cô gái, và con gái thì phải yêu... con trai. Nhưng thực tế, điều đó lại diễn ra ngược lại. Hồi đi học, Yến luôn có tình cảm đặc biệt đối với các bạn nữ, nhưng lại luôn coi đó chỉ là tình bạn đơn thuần.

Yến chính thức xuất hiện trong cộng đồng của mình năm 14 tuổi. Hồi đó, Yến chơi thân với một cô bạn cùng lớp. Tình cảm đó vượt qua tình bạn, đến ngưỡng tình yêu khi cô phát hiện ra mình... rất nhớ bạn ấy khi không gặp, thậm chí, ghen tuông khi bạn ấy có bạn trai. Nghĩ cảm xúc của mình "có vấn đề" Yến thử hẹn hò với những người bạn trai khác. Hai mối tình nhanh chóng kết thúc, Yên nhận ra mình không hề có cảm xúc, rung động thực sự từ trái tim với bất cứ người con trai nào.

Tốt nghiệp trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn được 1 năm, Yến mới được tiếp cận với các khái niệm vế đồng tính. Sợ sự kỳ thị, Yến nhốt mình trong vỏ bọc của một cô gái, nhưng trái tim khao khát được thể hiện, được yêu đương. Cô hoàng mang khóa chặt cánh cửa với thế giới bên ngoài, tham gia vào các diễn đàn online để tìm kiếm sự cảm thông, chia sẻ, hạn chế tối đa gặp gỡ gia đình vì sợ mọi người phát hiện ra giới tính của mình! Không ai bên cạnh chia sẻ, Yến bày tỏ với em gái, mong tìm được sự cảm thông nhưng cô em Yến đã ngừng liên lạc với chị.

"Có lẽ, em ấy còn chưa hiểu vấn đề" - Yến tự động viên mình. "Đó là quá trình bước chân vào đường hầm tối tăm mà không tìm thấy lối ra? Tôi sợ tiếp xúc với mọi người, sợ về nhà đối diện với người thân, bởi lúc nào tôi cũng có cảm giác mọi ánh mắt dò xét đang nhìn tôi, kỳ thị, phê phán. Đến khi tôi gia nhập vào một nhóm dành cho người đồng tính và tìm thấy tia sáng le lói cho cuộc đời" - Yến cho biết.

Bước ra khỏi vỏ ốc tự ti, Yến bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội. Yến giao lưu nhiều hơn với những người cùng giới tính, tìm thấy niềm vui từ những buổi giao lưu, gặp gỡ, hội thảo. Nhưng đến giờ, cô vẫn chưa cho bố mẹ biết giới tính của mình. Yến bảo, nỗi sợ lớn nhất của cô là bị... ép lấy chồng từ phía bố mẹ. Chính vì thế, cô ít về que để tránh đối diện với những lời giục giã và hối thúc của người nhà về chuyện chồng con.

Anh Nguyễn Văn Dũng, người đầu tiên dám công khai giới tính của mình, nhân vật chính trong cuốn tự truyện về đồng tính "Bóng" và là thành viên CLB Hải Đăng - một CLB dành cho người đồng tính ở Việt Nam cho biết, với những người đồng tính khi phát hiện ra giới tính của mình, đó là những chuỗi ngày thấm thìa nỗi đau, sự thiệt thòi, cảm nhận rõ ràng sự phân biệt đối xử, sự trêu đùa, thoa mạ của mọi người. Chính anh cũng từng nghĩ, mình là con rơi của xã hội, là gánh nặng của gia đình. Nhưng khi anh đứng ra kể lại câu chuyện về tình yêu của những người đồng tính, anh đã vượt qua được rào cản tâm lý của mình. Dũng cho rằng, khi công khai giới tính của mình, người đồng tính mới vượt qua nỗi sợ hãi để đứng dậy, sống thật với chính mình được.

Đừng coi đồng tính là... tội lỗi

Chính những người đồng tính vẫn còn sự kỳ thị với chính bản thân khẳng định mình. Cả Loan, Yến, Trường dù đã công khai giới tính của mình với những người thân nhưng vẫn còn lo lắng, băn khoăn. Chính vì thế, họ đều đã tham gia vào các nhóm của những người khác biệt về giới tính để liên hợp, nỗ lực làm mới hình ảnh của mình trong mắt cộng đồng.

 

Theo ông Eamonn Murphy, Giám đốc UNAIDS Việt Nam, các bạn nam, nữ đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới ở Việt Nam cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa về quyền của mình cũng như đóng góp nhiều hơn hơn vào sự phát triển của xã hội. Cộng đồng những người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới đã và đang đóng một vai trò tích cực trong việc hỗ trợ cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Ông hi vọng cộng đồng này cũng có thể và có khả năng giúp sức cho cuộc chiến chống lại bạo lực học đường đối với những người đồng tính.

BS Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng cho biết, đồng tính đã được chứng minh về y học. Theo thống kê của các tổ chức, khoảng 3- 5% người có xu hướng quan hệ tình dục đồng giới. Đồng tính không phải là bệnh, cũng không lây lan. Những người đồng tính khi phát hiện giới tính của mình đều cảm thấy lo sợ, bối rối, cảm giác tội lỗi và chưa tìm được hướng đi cho mình. Có những người còn cố gắng che giấu, sợ giao tiếp xã hội, tự ti, muốn tự tử, có người lại rơi vào trầm cảm hoặc bất cần đời.

"Nếu đã là xu hướng tình dục thực sự thì không thể thay đổi được. Nhiều người càng cố gắng thay đổi xu hướng tình dục đó thì càng để lại hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, hiện nay, những hiểu biết về giới tính và tình dục đồng giới vẫn còn hạn chế. Những đứa trẻ tự nhận mình là đồng tính vì có xu hướng tình dục khác giới hay vì trào lưu, môi trường sống đã bị huyễn hoặc về giới tính của mình thì cha mẹ - những người thân cận, gần gũi nhất cần có kiến thức để sớm định hướng giúp con nhận ra bản dạng dưới tính của mình đúng đắn nhất"- BS Giang chia sẻ.