Dòng sông tiên nữ

ANTĐ - Thấp thoáng trong nắng chiều, thiếu nữ Thái mềm mại chải tóc dưới dòng Púng Hon ở Mường Lèo khiến con suối trở nên huyền ảo, có lẽ thế nên người ta gọi đó là dòng sông tiên nữ. Những ai đã đến với sông Mã, được ngắm nhìn những đường nét kiêu kỳ đó thường bảo, đây là tiên cảnh. Dòng suối Púng Hon chắt chiu nguồn mạch của mây núi để dệt cho dòng sông Mã thêm hùng vĩ, hoang sơ. 

Hình ảnh cô gái Thái chải tóc bên dòng Púng Hon, thế thôi mà cứ như mê hoặc cả núi rừng lẫn lữ khách ngang qua. Dòng suối miệt mài chảy. Cô gái e ấp, chải vuốt mái tóc mềm mại như dòng suối cho đến khi bóng chiều hạ ánh sáng xuống núi. Khói lam chiều bảng lảng đưa ta lạc vào xứ sở yên bình đến mơ màng. Cơm tối với cá bống suối Púng Hon nấu lá chua rừng. Và mâm cơm có giản dị đến mấy cũng không thể thiếu sâu chít chao lá chanh và côn trùng chiên giòn thơm nức. 

Là bản du lịch sinh thái, thế nên cộng đồng bà con người Thái đã biết tiếp cận với “nhịp đập” của “dân du mục” tìm đến khám phá. Chợt nhớ ra, trên dọc hành trình đến Mường Lèo ban chiều, qua những con suối bên khe núi thường bắt gặp những cô gái Thái tắm mình trong dòng sông để chải tóc, đó là cách làm đẹp hay chỉ để khỏa những nhọc nhằn sau một ngày dài lao động? Người chủ nhà không trả lời mà lại kể, xưa người Thái đen ở Mường Lèo đi săn thấy một con tê giác có 3 sừng, phường săn đuổi mãi, qua những ngọn núi quanh năm mây phủ, qua những tán rừng nguyên sinh thì thấy một vùng đất bằng phẳng. Ở giữa vùng đất đó ở có một con suối nước trong xanh mà chiều chiều hươu, nai kéo từng đàn xuống uống nước. Biết là vùng đất tốt, tộc người ăn theo nước mới di dân đến khai khẩn dựng mường. Thời ấy, con người và muông thú cùng chung sống hòa thuận dưới cánh rừng đại ngàn năm này qua năm khác…

Có rất nhiều truyền thuyết khiến ta đặt câu hỏi mãi không thôi, như loài tê giác 3 sừng kia có nguồn gốc từ đâu… Song, những gì ta được tận “mục sở thị” gom lại trong mắt, trong trí nhớ, đã có thể cho ta câu trả lời, đó là sự yên bình và hoang sơ.