Đồng lòng giữ chủ quyền, bám biển và nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU cho thủy sản Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nâng cao nhận thức, sự tự giác của ngư dân thông qua tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là mục tiêu quan trọng nhằm thực hiện thành công chiến dịch gỡ “thẻ vàng” cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC). Là lực lượng chủ lực, cán bộ chiến sỹ Bộ đội biên phòng trong vai những “tuyên truyền viên” đang ngày đêm nỗ lực, bền bỉ, quyết liệt hoàn thành nhiệm vụ.

Việt Nam có 3.260km chiều dài bờ biển cùng hơn 1 triệu km2 vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán… Với địa bàn rộng, địa hình phức tạp, việc quản lý cũng như kiểm tra, phát hiện, xử lý tàu thuyền vi phạm gặp nhiều thách thức. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức tự giác chấp hành cho ngư dân trong phòng, chống IUU vì thế càng đóng vai trò quan trọng.

Không quản ngại nắng mưa, lực lượng biên phòng vẫn ngày đêm tuần tra, nhắc nhở, tuyên truyền giúp ngư dân nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành các quy định về phòng chống IUU

Không quản ngại nắng mưa, lực lượng biên phòng vẫn ngày đêm tuần tra, nhắc nhở, tuyên truyền giúp ngư dân nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành các quy định về phòng chống IUU

Khi Bộ đội biên phòng trong vai “tuyên truyền viên”

Vùng biển Tây Nam những ngày cuối tháng 5 nắng như đổ lửa. Thời tiết khắc nghiệt, khó khăn, song không ngăn được quyết tâm của lực lượng biên phòng nơi đây thực thi nhiệm vụ. Thiếu tá Nguyễn Trọng Phú - Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Tây Yên (tỉnh Kiên Giang) cho biết, công tác tuần tra được cán bộ, chiến sỹ đồn thực hiện theo kế hoạch, ít nhất 2 lần/tuần, tần suất tăng lên khi có các đợt cao điểm tuần tra liên ngành.

Không chỉ thực hiện tuần tra, kiểm soát, chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, Bộ đội biên phòng còn sắm vai những “tuyên truyền viên”, tiếp cận từng ngư dân để thực hiện phát tờ rơi, tuyên truyền, cập nhật các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, địa phương và đặc biệt là quy định về phòng chống IUU. Ngoài các yêu cầu về sức khỏe, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sóng to gió lớn, những “tuyên truyền viên mang quân hàm xanh” còn phải trau dồi các kiến thức, kỹ năng để làm sao có thể truyền tải tốt nhất, dễ hiểu, dễ nhớ nhất các quy định về phòng chống IUU tới các ngư dân.

Thường xuyên được các cán bộ chiến sỹ biên phòng Tây Yên gặp gỡ, trao đổi thông tin, anh Nguyễn Văn Tèo (trú tại đường Lê Quý Đôn, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, thuyền trưởng một tàu cá đánh bắt xa bờ với 17 thuyền viên) cho biết, thông qua những tài liệu, tờ rơi và nhất là những hướng dẫn chi tiết, trực tiếp từ Bộ đội biên phòng, anh cùng các ngư dân khác đã nắm vững các quy định về đánh bắt hải sản, nhờ đó tránh được những vi phạm đáng tiếc và yên tâm hơn mỗi khi vươn khơi bám biển.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau tiếp nhận thông tin và chỉ đạo ứng cứu kịp thời 2 thuyền viên gặp nạn trên biển ngày 18-5-2023 thông qua thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau tiếp nhận thông tin và chỉ đạo ứng cứu kịp thời 2 thuyền viên gặp nạn trên biển ngày 18-5-2023 thông qua thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang cho biết, trong năm qua, đơn vị đã tuyên truyền vận động, hướng dẫn các chủ tàu, ngư dân cam kết chấp hành các quy định của pháp luật khi ra, vào, hoạt động trên biển và thực hiện nghiêm quy định về chống khai thác IUU. Phối hợp với địa phương tuyên truyền tập trung 418 buổi với 1.776 người tham gia, tuyên truyền qua trạm kiểm soát 20.613 phương tiện/39.931 thuyền viên chấp hành nghiêm quy định chống khai thác IUU và các quy định hoạt động trên biển, hướng dẫn ký cam kết cho 3.103 chủ tàu và 2.175 thuyền viên, phát 2.100 tờ rơi, 818 thư kêu gọi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và 625 cuốn tài liệu tuyên truyền chống khai thác IUU, tặng 1.850 lá cờ Tổ quốc.

Quản lý chặt thiết bị giám sát hành trình

Trong kế hoạch hành động phòng, chống IUU, việc hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và giám sát 24/7 qua hệ thống giám sát tàu cá (VMS) là một trong những giải pháp quan trọng để gỡ “thẻ vàng” IUU. Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 30-4-2023 đã có 28.797/29.489 tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS. Đây là con số tích cực. Tuy nhiên, thực tế qua công tác tuần tra, xử lý vi phạm cho thấy vẫn còn tình trạng các tàu cá cố ý tắt tín hiệu thiết bị VMS để lén lút đi vào vùng biển nước ngoài khai thác.

Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang phát tờ rơi, tuyên truyền cho ngư dân về các quy định pháp luật liên quan đánh bắt hải sản

Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang phát tờ rơi, tuyên truyền cho ngư dân về các quy định pháp luật liên quan đánh bắt hải sản

Theo Thiếu tá Nguyễn Trọng Phú, để khắc phục tình trạng này, bên cạnh tăng cường tuần tra, trực tiếp phát hiện, Bộ đội biên phòng đã thực hiện nhiều biện pháp kết hợp phòng ngừa với xử lý mạnh để răn đe. “Trước khi tàu cá cập cảng, Bộ đội biên phòng sẽ kiểm tra thiết bị VMS xem có hoạt động thông suốt hay không. Đối với các tàu cá bị gián đoạn dữ liệu VMS, nghi ngờ chủ động ngắt nối thiết bị này, chúng tôi sẽ tiến hành điều tra ngay. Trong quá trình này, tàu cá được yêu cầu tạm dừng ra khơi chờ tới khi có văn bản kết luận điều tra và đề xuất xử phạt (nếu có vi phạm)” - Thiếu tá Nguyễn Trọng Phú cho hay.

Theo quy định, các tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài 15m trở lên sẽ phải lắp thiết bị VMS đạt tiêu chuẩn. Thiết bị này được kết nối, đồng bộ với phần mềm hệ thống giám sát tàu cá lắp đặt tại Trung tâm Dữ liệu giám sát tàu cá ở Trung ương và 28 tỉnh, thành phố ven biển nhằm phục vụ việc quản lý, giám sát hoạt động. Những tàu đang hoạt động trên vùng biển giáp ranh sẽ được phát cảnh báo, nhắc nhở kịp thời. Dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình đồng thời là cơ sở để xử lý các tàu cá cố tình vi phạm. Ngoài ra, việc kết nối thông suốt giữa Trung tâm Điều hành giám sát với tàu cá còn giúp tiếp nhận và ứng cứu kịp thời các tàu gặp sự cố.

Ngày 18-5-2023, sau khi phát hiện một tàu cá gặp nạn qua hệ thống thông tin Trung tâm Điều hành giám sát tàu cá, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã nhanh chóng chỉ đạo cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Cái Đôi Vàm tiếp cận và cứu thành công 2 ngư dân gặp nạn, đồng thời tiến hành trục vớt, cứu kéo tàu bị chìm vào bờ an toàn. Nhờ có sự kết nối thông suốt và chỉ đạo kịp thời, toàn bộ quá trình cứu hộ hoàn tất trong chưa đầy 3 giờ. Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc mà thông qua lắp đặt thiết bị VMS, tàu cá gặp nạn được lực lượng chấp pháp trên biển ứng cứu kịp thời.

Kiên trì và quyết liệt

Thời gian qua, cùng với quyết tâm của các cấp các ngành, công tác kiểm soát, xử lý vi phạm thực hiện quyết liệt, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tự giác cho ngư dân mà lực lượng nòng cốt là bộ đội biên phòng phát huy hiệu quả, nhờ đó tình trạng vi phạm đánh bắt hải sản giảm dần. Thống kê số vụ xử phạt vi phạm hành chính về IUU giảm từ hơn 2.000 vụ năm 2020 xuống còn gần 1.700 vụ năm 2021 và tiếp tục giảm một nửa trong năm 2022.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Tây Yên chỉ ra, trong khi đa số ngư dân hiểu và tự giác chấp hành nghiêm chỉnh thì một bộ phận nhỏ chủ yếu là chủ tàu, thuyền trưởng vì áp lực nợ ngân hàng hoặc lợi ích kinh tế cá nhân nên vẫn lén lút đánh bắt trái phép, vi phạm các quy định IUU. Từ thực tế trên, Bộ đội biên phòng đã tham mưu với lãnh đạo tỉnh, chuyển kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để tìm giải pháp tháo gỡ, khắc phục như khoanh nợ, kéo giãn nợ đối với các tàu cá gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Xuyên (thuyền trưởng một tàu cá với 15 thuyền viên hoạt động trên vùng biển Tây Nam) nhìn nhận, hành vi cố ý đánh bắt ngoài lãnh hải Việt Nam không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đối diện nhiều rủi ro. Trong khi đó, ngư dân vẫn hoàn toàn có thể “sống khỏe” trên chính ngư trường quê hương mình. “Đơn cử như tàu cá của tôi, mỗi năm ra khơi 3 lần, thu về tổng cộng từ 13 - 16 tỉ đồng. Trừ các chi phí, còn lại chia cho anh em, mỗi người khoảng 100 - 130 triệu đồng/năm, trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng” - ông Xuyên dẫn chứng, đồng thời bày tỏ mong muốn với sự nỗ lực từ Trung ương tới địa phương, sự tự giác của ngư dân, Việt Nam sẽ sớm gỡ được “thẻ vàng” EC.