Đồng lõa "rút ruột" 4 triệu USD nhiên liệu mỗi ngày

ANTD.VN - Mexico đang mở cửa cho các nhà bán lẻ xăng tư nhân và kêu gọi các đối tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng. Nhưng họ tiếp tục phải đối mặt với một vấn đề khá phức tạp, đó là nạn ăn trộm nhiên liệu hoành hành ở một đất nước mà nạn tham nhũng phổ biến và tình trạng thực thi pháp luật còn lỏng lẻo.

Đồng lõa "rút ruột" 4 triệu USD nhiên liệu mỗi ngày  ảnh 1

Một trạm xăng của Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Pemex tại Thủ đô Mexico

Trộm cắp có hệ thống 

Những năm gần đây, Chính phủ Mexico đã cố gắng tăng cường an ninh dầu khí, trong đó có gia tăng ngân sách hàng năm cho lực lượng đặc nhiệm của quân đội phụ trách để diệt trừ nạn trộm cắp nhiên liệu nhưng mọi nỗ lực dường như vẫn không xuể. Số vòi nước “rút ruột” nguồn dầu khí của Nhà nước trên toàn quốc đã tăng mạnh, tính đến năm 2015 đã tăng tới 35 lần so với năm 2000, theo số liệu từ Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Mexico - Pemex và các cơ quan khác. 

Nhiều báo cáo cho thấy rằng, các băng đảng ma túy đã đấu nối trái phép vòi dẫn vào mạng lưới đường ống dẫn nhiên liệu của Mexico. Pemex đã ghi nhận rằng, một số nhân viên và các nhà thầu đồng lõa với những việc làm phi pháp này sau khi nhận hối lộ hoặc bị đe dọa về tính mạng.

Mexico là một trong những nước có nạn trộm cắp nhiên liệu hoành hành mạnh nhất trên thế giới. Tại đây, ước tính trung bình 20.000 thùng nhiên liệu bị đánh cắp mỗi ngày, gấp 3 lần so với mức tiêu thụ hàng ngày của Washington DC, khiến Mexico thiệt hại tới 4 triệu USD. Thị trường nhiên liệu chợ đen của nước này ước tính trị giá từ 2-4 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, không chỉ ở trong nước mà nhiên liệu bị đánh cắp từ Mexico được cho là đã nhập lậu vào khu vực Trung Mỹ. 

Để hạn chế trộm cắp, Pemex ngừng chuyển nhiên liệu bằng hệ thống đường ống dẫn. Thay vào đó, hãng đưa sản phẩm thô trực tiếp từ các nhà máy lọc dầu đến kho lưu trữ. Ngay khi nhiên liệu được xử lý, chúng sẽ được phân phối bằng xe chở dầu thương mại. Sự thay đổi đó đã khiến các đối tượng trộm cắp chuyển mục tiêu. Giờ chúng nhắm thẳng vào các cơ sở lưu trữ của Pemex, bơm đầy xe tải và lái xe đi. Theo các công ty Mexico, hơn một nửa nhiên liệu bị đánh cắp ở nước này bị lấy theo cách thức đó.

Nỗ lực còn hạn chế

Ông Robert Campbell, chuyên gia về tư vấn năng lượng tại New York cho rằng, Mexico không có được hệ thống theo dõi khí đốt chặt chẽ như các nước khác. “Nhiên liệu chỉ được tính từ khi rời cơ sở lọc dầu, còn khi bơm tới thiết bị lưu trữ lại không được đo đếm, vì thế không thể quản lý được về mặt khối lượng”, ông Campbell nói.

Tình trạng thực thi pháp luật yếu kém cũng là một nguyên nhân khiến nạn trộm cắp này phát triển mạnh. Mới đây, các nhà lập pháp Mexico đã thông qua một đạo luật quy định tội trộm cắp nhiên liệu có thể bị tù từ 15 đến 25 năm nhưng chưa đến 1/10 số tội phạm có liên quan thực sự bị truy tố.

Theo Pemex, trong 15 năm qua, chỉ có khoảng 8.800 nghi phạm bị bắt liên quan đến hành vi trộm cắp nhiên liệu, tuy nhiên số thủ phạm thực sự lớn hơn nhiều. “Đặc biệt là hệ thống tư pháp hoạt động không tốt và cảnh sát địa phương thường đồng lõa bằng cách này hay cách khác”, ông Duncan Wood, Giám đốc Viện nghiên cứu Mexico tại Trung tâm Wilson của Mỹ nhận định.

Với cuộc cải cách ngành năng lượng mang tính lịch sử của Tổng thống Enrique Pena Nieto, không chỉ Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Mexico mà nhiều doanh nghiệp tư nhân khác sẽ tham gia phục vụ người tiêu dùng sau hơn 70 năm bán hàng nhiên liệu quốc doanh.

Tuy nhiên, nạn trộm cắp nhiên liệu vẫn là nguy cơ tiềm ẩn trong kinh doanh mặt hàng thiết yếu này. Theo quy định mới, các trạm xăng không nhất thiết phải bán nhiên liệu từ Pemex, họ có thể kiếm được từ nguồn có giá tốt nhất trên thị trường. Kết quả là, khó kiểm soát được khả năng họ sẽ nhập về xăng và dầu diesel bị đánh cắp.

Ana Lilia Perez, một nhà báo từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí trong nước cho rằng, khi các trạm xăng hợp pháp mua nhiên liệu bị đánh cắp, một số biết đó là hàng lậu, cũng có nơi không biết điều đó. “Người ta chỉ biết rằng đôi khi có một xe tải chở đầy xăng vào chào hàng với giá chỉ bằng một nửa thực tế, ai có thể từ chối một món hời như vậy?”- Ana Lilia Perez cho biết.

Mexico đang nỗ lực để đạt được các tiêu chuẩn quốc tế nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng nhưng rõ ràng, con số về tình trạng đánh cắp nhiên liệu được Pemex tiết lộ trong tháng 9 cho thấy những nỗ lực trên là chưa đủ, và như vậy Mexico khó lòng thuyết phục rằng họ là một đối tác đáng tin cậy.