Đóng học phí bằng phế liệu

ANTĐ - Tại khu vực San Juan Comalapa miền núi phía tây Guatemala, một ngôi trường đặc biệt đang dần hoàn thiện. Được xây dựng từ lốp ô tô, chai nhựa bỏ, ngôi trường này hướng tới mục tiêu: Xây dựng một thế hệ công dân có tay nghề cao và đầy trách nhiệm với cộng đồng.

Học sinh ở Tecnico Chixot sớm nhận thức được vấn đề thân thiện với môi trường sinh thái

“Mọc lên” từ đồ tái chế

Trung tâm giáo dục Tecnico Chixot ở Comalapa chỉ mới khai trương từ đầu năm 2014 với 66 học sinh cấp tiểu học. Các em đến trường từ 7h30 đến 12h30 từ thứ hai đến thứ sáu, giáo viên là người địa phương. Đáng chú ý, học sinh phải đóng một phần học phí được quy đổi thành những chai nhựa cũ có thể sử dụng được. Kiểu thu học phí lạ lùng này vừa giúp thu thập nguyên liệu cho công trình còn dở dang của nhà trường, vừa giúp các em hiểu rõ về công nghệ tái chế.

Đây là dự án đầy tham vọng của Long Way Home – một tổ chức phi chính phủ hàng đầu ở Guatemala. Long Way Home muốn giúp cộng đồng nơi đây chia sẻ bớt gánh nặng về giáo dục khi số trẻ ở độ tuổi đi học đang gia tăng, đồng thời thúc đẩy mô hình mới trong quản lý chất thải để cải thiện môi trường địa phương. Nhà tổ chức - Long Way Home đóng vai trò kêu gọi gây quỹ, xây dựng trường, quản lý công việc hành chính và thực hiện chương trình giảng dạy mới.

Được khởi công tháng 1-2009, khu phức hợp xây dựng trên phần đất mà Long Way Home đã mua khi hoàn thành năm 2016  sẽ có 17 tòa nhà, bao gồm 4 xưởng dạy nghề, một cửa hàng cơ khí, khu văn phòng hành chính, các phòng học, phòng ăn, thư viện, phòng máy tính, phòng nghệ thuật, khu nhà ở… Trong quy hoạch tổng thể, nhà trường mở thêm khối trung học từ lớp 7 đến lớp 12 và quan trọng nhất là trường dạy nghề với nghề mộc, xây dựng, cơ khí, điện, hàn… Trung tâm Giáo dục Tecnico Chixot ước tính cũng sẽ chào đón 1.000 tình nguyện viên từ khắp nơi trên thế giới.

Sáng kiến vì cộng đồng

Cùng với kỳ vọng tạo ra những thế hệ công dân trẻ Guatemala hiểu về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, Trung tâm Giáo dục Tecnico Chixot còn đóng góp thiết thực cho cộng đồng nơi đây, từ tạo việc làm cho cư dân địa phương đến phổ biến kỹ thuật xây dựng tiết kiệm hiệu quả cho dân nghèo. Ngoài ra, giải pháp quản lý chất thải của họ cũng cải thiện sức khỏe của các thành viên cộng đồng bằng cách giảm ô nhiễm và phát thải khí mêtan từ các bãi rác tạm thời  cũng như giảm đốt rác.

Long Way Home được thành lập cách đây tròn 10 năm. Năm 2004, ông Mateo Paneitz kết thúc khóa tình nguyện của Peace Corps (Tổ chức Hòa Bình Mỹ - chuyên cử thanh niên tình nguyện tới các nước khác làm việc), nhưng cảm thấy công việc ở San Juan Comalapa, Guatemala với ông chưa hoàn thành. Khu vực có cư dân phần lớn là con cháu của tộc người Maya cổ xưa này gần như đã bị san phẳng sau trận động đất kinh hoàng năm 1976. Vì thế, ông tập hợp một nhóm các nhà hoạt động muốn giúp người dân thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo. “Gốc rễ của vấn đề là thiếu chiến lược quản lý chất thải phù hợp và thiếu cơ hội giáo dục, việc làm cho thanh niên. Do đó, nhóm của chúng tôi đã đưa ra một giải pháp tích hợp cả 2 yếu tố: Xây dựng trường học và dạy nghề từ chất thải”, ông Mateo Paneitz, nhà sáng lập tổ chức nói. 

Đến nay, Long Way Home đã nhận được số tiền ủng hộ và giải thưởng ít nhất 465.000 euro, đồng thời đã tái sử dụng 400.000 tấn rác, trong đó có 9.000 lốp xe, 24.000 chai nhựa và  4.500 chai thủy tinh cũ để xây dựng các công trình. Trước dự án xây dựng trường nghề này, tổ chức đã tích cực giúp cộng đồng địa phương xây công viên, khuyến khích cư dân trồng lại rừng, cải thiện hệ thống lọc nước… Những việc làm tốt đẹp đó càng được nhân lên khi ngày càng có nhiều người đủ ngành nghề, bằng cấp tự nguyện ủng hộ, tham gia cùng Long Way Home.