Qua ghi nhận, trong tháng 11, trên địa bàn huyện Bắc Trà Mi đã xảy ra 4 vụ động đất, trận động đất có cường độ lớn nhất đạt 3,3 độ richter. Các trận động đất này đã gây ra rung động nền đất kèm theo tiếng nổ ở khu vực gần chấn tâm. Rất nhiều người dân đã cảm nhận được dao động do động đất gây ra. Nhà cửa và các đồ vật treo đung đưa mạnh. Viện Vật lý địa cầu nhận định, các trận động đất này tập trung gần đứt gãy kiến tạo Trà Bồng, giữa đứt gãy Hưng Nhượng - Tà Vi và đứt gãy Tam Kỳ - Phước Sơn, đồng thời cũng nằm trong phạm vi vùng hồ của thủy điện Sông Tranh 2.
Độ sâu chấn tiêu của các trận động đất đều nằm ở độ sâu 3-5 km, khá nông so với phần lớn các trận động đất kiến tạo đã quan sát được trên lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, theo Viện Vật lý địa cầu, các trận động đất vừa xảy ra ở khu vực Bắc Trà Mi, Quảng Nam là những trận động đất kích thích, xảy ra sau khi hồ thủy điện tích nước đi vào hoạt động. Tuy nhiên, Viện Vật lý địa cầu cho rằng, đây chỉ là những nhận định sơ bộ ban đầu. Để khẳng định chính xác vấn đề này cần xem xét một cách chi tiết hoạt động động đất ở khu vực này trong thời gian trước khi tích nước hồ chứa, cũng như cần có thêm những khảo sát chi tiết và quan trắc bổ sung về hoạt động động đất trong khu vực từ một mạng lưới trạm ghi động đất đủ dày.
Viện Vật lý địa cầu cho biết, trong các nghiên cứu, khảo sát đã tiến hành phục vụ xây dựng đập thủy điện Sông Tranh 2, các đứt gãy đã nêu được Viện Vật lý địa cầu đánh giá có khả năng phát sinh động đất cực đại với độ lớn 5,5 độ richter. Gia tốc nền ứng với động đất thiết kế được Viện Vật lý địa cầu kiến nghị sử dụng cho đập thủy điện Sông Tranh 2 là 150 cm/s2, hoặc động đất cấp VII theo thang MSK-64. Với thiết kế như vậy, đập thủy điện Sông Tranh 2 hoàn toàn an toàn dưới tác động của các trận động đất vừa qua.