Sách điện tử lậu (1)

“Dòng chảy ngầm”: Thủ phạm giấu mặt

ANTĐ - E-book (sách điện tử) là sự kết hợp hoàn hảo giữa tri thức và công nghệ, đã trở thành cú hích văn hóa đọc theo chiều hướng tích cực bởi sự tiện ích mà nó đem lại. Tuy vậy, các nhà xuất bản (NXB) đang chới với trước cảnh các bản sách in của mình bị “luộc” thành bản điện tử, tràn lan trên mạng...

Hàng loạt thiết bị kỹ thuật số cho phép người đọc dễ dàng đọc sách mọi nơi mọi lúc


Sách điện tử lậu tràn lan

Theo nhiều NXB, việc chống lại nạn sách giả, sách in lậu tuy khó khăn và mất nhiều thời gian nhưng vẫn bắt được thủ phạm là hàng nghìn đầu sách giả trong các xưởng in và nhà sách tư nhân. Trong khi đó, thủ phạm của các trang mạng e-book lậu lại luôn giấu mặt và rất khó tìm ra. Nói tới e-book lậu, không ít NXB trong nước hiện nay rất bất an khi phần lớn sách của họ đều bị “luộc” công khai, tung lên mạng làm thành e-book và phát tán rộng rãi trên các trang web. Mỗi trang này có tới vài trăm nghìn thành viên, được phép tải miễn phí hoặc có phí rất thấp. Đối tượng thu lời chính là chủ những trang mạng này.

Hiện các trang web e-book lậu khá nhiều. Chúng thu hút hàng trăm, hàng ngàn thành viên. Chỉ cần đăng nhập trở thành thành viên là người dùng có thể truy cập vào thư viện e-book và có thể xem cả trăm nghìn đầu sách với đủ thể loại, từ sách trong nước đến sách dịch. Bất cứ ai vào trang tìm kiếm, gõ từ chìa khóa

“e-book” cũng có thể tìm thấy trang web cho tải miễn phí. Thậm chí, trên một số trang web quản trị mạng còn quảng bá lợi ích của e-book là tiện lợi, xem nhanh, có thể chỉnh lại kích cỡ chữ, màu sắc tùy theo ý thích người xem và hướng dẫn sử dụng chi tiết từng bước cụ thể... Điều đáng nói, không ít quản trị mạng còn kêu gọi các thành viên tham gia đánh máy một bản sách in. Sau đó, các đoạn đánh máy được ráp nối, chuyển định dạng, và được đưa lên mạng miễn phí cho mọi người tải về mà không cần xin phép tác giả hay NXB.

Theo ông Nguyễn Hoàng Ngân, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh sách trên phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm: “E-book lậu gây thiệt hại kinh tế rất lớn đối với các đơn vị làm sách vì chi phí sản xuất một đầu sách trọn gói hiện nay có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, bao gồm chi phí mua bản quyền, dịch, giấy phép, biên tập, in ấn, quảng bá… Nếu như công đoạn sản xuất một cuốn sách in mất trung bình 6 tháng thì làm

e-book cực kỳ đơn giản và hầu như không tốn mấy công sức, thời gian. Những ấn bản điện tử bất hợp pháp này thường có mặt trên internet chỉ sau khi phát hành bản in vài ngày. Với việc phát tán rộng rãi các e-book trên, các đơn vị làm sách bị thất thu nặng vì số lượng độc giả mua sách in sẽ bị thu hẹp”.


Thiệt hại cho các nhà xuất bản

Sách in vẫn được nhiều người chọn lựa trong xu thế kỹ thuật số. (ảnh minh họa)

Bà Hoàng Vân Anh, đại diện truyền thông một công ty sách tư nhân cho biết: “Gần đây, nhiều đầu sách của chúng tôi đã bị làm e-book trái phép và phát tán trên mạng. Công ty đã gửi văn bản đến các đơn vị chủ quản, các diễn đàn để ngăn chặn nhưng không có kết quả, thậm chí họ tiếp tục kinh doanh tác phẩm này của chúng tôi một cách ngang nhiên”. Mặc dù, các NXB đều biết rất nhiều đầu sách của mình bị làm e-book lậu và phát tán nhưng họ cũng đành “bó tay” bởi tính chất khó kiểm soát của các trang mạng. Trong cuộc chiến “phi quy ước” với e-book lậu, các đơn vị xuất bản chỉ biết tự bảo vệ mình bằng cách gửi thư điện tử đề nghị gỡ bỏ e-book lậu cho dù cách này không mấy hiệu quả. “Cái khó là việc kiện tụng sẽ rất mất thời gian và giải quyết không thể một sớm một chiều, trong khi đó các trang web e-book lậu vẫn ngang nhiên “chiếm dụng” công sức, với bao thời gian, tiền bạc của các đơn vị xuất bản để đưa các tác phẩm văn học dịch lên mạng mà không hề tốn kém” - bà Vân Anh nhận xét.

Việc vi phạm bản quyền không chỉ gây thiệt hại cho các đơn vị xuất bản mà còn làm ảnh hưởng đến quan hệ làm ăn với các nhà sản xuất nước ngoài. Bà Nguyễn Thu Nga - Giám đốc kinh doanh một NXB lớn tại Hà Nội thừa nhận: “Công ty chúng tôi vừa ký kết hợp đồng mua bản quyền một cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất năm 2010 tại Mỹ. Tốn bao công sức đầu tư thuê dịch thuật, in ấn,... nhưng chỉ sau 1 tuần xuất bản bản in, cuốn sách này đã “chễm chệ” trở thành e-book trên một trang web. Phía đối tác ở Mỹ biết được thông tin này đã nghĩ rằng chúng tôi cho làm thành e-book mà không thông qua họ nên đã kiện công ty tôi.

Sau nhiều lần giải trình, phía họ đã hiểu ra vấn đề và rút đơn kiện, nhưng chúng tôi mất rất nhiều thời gian và chi phí cho những lần sang Mỹ để giải thích. Đã vậy, lòng tin mà chúng tôi đối với họ cũng bị suy giảm. Nếu cứ đà này, không sớm thì muộn chúng tôi sẽ bị phá sản vì vừa phải chịu sự tấn công của cả sách in lậu, lẫn e-book lậu”.

Có thể thấy, sao chép lậu đang là một vấn đề nghiêm trọng cho các NXB. Việc xem xét để bảo vệ bản quyền là rất quan trọng, song điều đáng lo ngại là sự đơn độc của các nhà sản xuất trong cuộc chiến chống

e-book lậu, khi mà đa số e-book Tiếng Việt hiện nay đều xuất phát từ các diễn đàn trên internet, trở thành các tài nguyên được chia sẻ miễn phí, dưới dạng thư viện trực tuyến…

E-book (electronic book) hay còn gọi là sách điện tử có thể đọc được trên máy vi tính hoặc thiết bị chuyên đọc e-book. Bằng những chức năng của máy vi tính và những chương trình hiện nay, người đọc sẽ dễ dàng tra cứu thông tin mà họ cần. Việc tra cứu thông tin có thể thực hiện ngay trên máy tính cá nhân mà không tốn nhiều thời gian như khi đi tìm những cuốn sách thông thường ở thư viện. Hơn nữa, việc tải sách từ kho sách chỉ mất vài chục giây, tiện hơn việc phải lùng sục các hiệu sách để tìm cuốn sách cần sử dụng, tiết kiệm được thời gian và không gian cho việc tìm kiếm và lưu trữ sách.

(Còn nữa)