Đón xuân bên những chiếc xe “màu lửa”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -
Tác giả Đức Tuấn

Tác giả Đức Tuấn

Đón Tết trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu

Tết đến Xuân về là khoảng thời gian để mọi người tạm gác công việc, những bộn bề lo toan để quây quần bên gia đình. Nhưng với người lính cứu hỏa, cứu nạn, cứu hộ phải luôn trực chiến tại đơn vị để sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bất cứ lúc nào.

Thiếu tá Đoàn Việt Bắc - Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) - CAQ Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: “Người lính cứu hỏa năm nào cũng vậy, đón Giao thừa ở nơi ứng trực và chúng tôi thường chọn niềm vui bằng cách đón xuân bên những chiếc xe “màu lửa”. Vì thế, mỗi khi Giao thừa, chúng tôi cũng mong muốn cho một năm mới đến “thất nghiệp”. Căng thẳng nhất là trực chiến trong thời gian áp Tết, khi mà nhà nào cũng đều tổ chức cúng tất niên, đốt vàng mã, các chợ ngập tràn hàng hóa… nguy cơ hỏa hoạn rất cao” .

Nhiều năm qua, việc cho phép tổ chức bắn pháo hoa chào đón năm mới ở nhiểu điểm khác nhau trên địa bàn thành phố, thì lính cứu hỏa ứng trực 100% quân số là đương nhiên. Cũng bởi vậy mà từ trưa 30 Tết, lực lượng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đã phân công ca trực thay nhau bảo vệ khu vực bắn pháo hoa, đề phòng xảy ra tai nạn, hỏa hoạn. Những nỗi lo của người lính cứu hỏa là hoàn toàn có cơ sở, vì thế bao giờ cũng vậy, thời gian gần Tết là thời điểm căng thẳng nhất của những người lính làm nhiệm vụ chữa cháy.

Có lần, đúng vào chiều 30 Tết, chúng tôi đến đơn vị chữa cháy tại huyện Thường Tín, ghi nhận những hình ảnh những người lính chữa cháy tự gói bánh chưng đón Tết ở đơn vị. Khoảng sân đơn vị được quét dọn, sạch sẽ gọn gàng, trên đó chia làm nhiều khoảng khác nhau, góc này một nhóm rửa lá gói bánh chưng, góc kia một số chiến sĩ đang cuốn vòi, lau chùi các thiết bị chuyên dụng...

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm, khi đó là Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH số 12 chỉ vào những cuộn vòi còn sũng nước bảo: “Đặc sản Tết của người lính cứu hóa đó, cuộn vòi phải giỏi hơn gói bánh chưng, tất cả máy móc, thiết bị, dụng cụ chiến đấu phải luôn trong tư thế sẵn sàng ở mức cao nhất”.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội (bên trái) cùng chiến sĩ gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội (bên trái) cùng chiến sĩ gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết

Xông pha trên nhiều mặt trận

Những người lính cứu hỏa không chỉ chữa cháy mà còn xông pha trên nhiều mặt trận như lao mình xuống nước, đến những nơi công trình sập đổ để cứu người gặp nạn, mắc kẹt... Do đó, dịp Tết, lực lượng cứu hỏa không chỉ đối mặt với nguy cơ cháy nổ mà còn căng mình với nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ và các vụ việc liên quan đến tai nạn giao thông, đuối nước.

Đón xuân trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu, với những người lính cứu hỏa, Tết là thời điểm được đặt trong tình trạng báo động cao độ hơn so với ngày thường.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng CAQ Cầu Giấy, chuyên gia về mảng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chia sẻ: “Anh em vất vả cũng bởi dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán thường gặp phải thời tiết hanh khô. Đây cũng là lúc các cửa hàng kinh doanh tập trung hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao dịp Tết. Các hoạt động tín ngưỡng như đốt vàng mã tại nhà cũng như tại các cơ sở thờ tự diễn ra nhiều hơn. Nguy cơ cháy, nổ luôn hiện hữu. Vì vậy, lực lượng Cảnh sát PCCC toàn thành phố luôn trong tư thế sẵn sàng trực chiến và lên đường nhận nhiệm vụ ngay khi có tin báo”.

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết: “Với lực lượng trực tiếp làm công tác PCCC, ngay từ trước Tết, Ban giám đốc CATP yêu cầu tất cả các đơn vị xây dựng và triển khai các phương án bảo vệ; đồng thời tập trung tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở, doanh nghiệp, người dân, nhất là ở các địa điểm tập trung đông người, nhà cao tầng... bên cạnh sản xuất, kinh doanh, du xuân phải chú ý đảm bảo an toàn PCCC”.

Quán triệt chỉ đạo của cấp trên, những người lính cứu hỏa luôn đặt nhiệm vụ an toàn cho người dân là trên hết, trước hết. Vì vậy, bao giờ áp Tết cũng có những phương án, kế hoạch đặc thù riêng để hạn chế tối đa cháy, nổ xảy ra. Từ những hoạt động tuyên truyền, tập huấn, nhắc nhở thường xuyên hơn, không chỉ nhận thức, trách nhiệm của chủ các cơ sở được nâng cao, mà ý thức của người dân về PCCC cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Những năm gần đây, lực lượng Công an nói chung và Cảnh sát PCCC, CNCH nói riêng vất vả gấp nhiều lần bởi phải căng mình chống dịch Covid-19. Có những người lính nhà cách đơn vị vài cây số, nhưng đến cả tháng trời không về nhà được bởi dịch bệnh nên phải ứng trực. Lúc nào cũng ở trong chế độ sẵn sàng lên đường 24/24h, nhưng với những người lính cứu hỏa, họ chỉ mong muốn không phải nghe tin báo cháy. Không phải vì ngại khó, ngại khổ, mà bởi mỗi lần báo cháy là một lần chiến sỹ cứu hỏa phải chứng kiến ngọn lửa gây ra những nỗi đau cho người dân.

Trung tá Hoàng Đức Mạnh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Gia Lâm bày tỏ: “Sau mỗi lần chữa cháy, xe cứu hỏa và dụng cụ, phương tiện chữa cháy luôn được rửa sạch sẽ và kiểm tra để sẵn sàng khi tác chiến. Với chúng tôi, năm nào và ngày nào cũng vậy, chỉ mong những chuyến xe chữa cháy không phải xuất, những tiếng còi báo động không phải réo vang. Đó mới là điều hạnh phúc và niềm vui trọn vẹn nhất”.

Lính cứu hỏa trổ tài gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết ở đơn vị

Lính cứu hỏa trổ tài gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết ở đơn vị

Giao thừa tại “ngôi nhà thứ hai”

Đón xuân ở đơn vị, năm nào cũng vậy, để đảm bảo cho các chiến sỹ yên tâm và tràn ngập không khí vui xuân, may mắn, các đơn vị luôn duy trì hoạt động gói bánh chưng, trồng cây đào, chăm sóc hoa, cây cảnh quanh khuôn viên, huy động tất cả cán bộ, chiến sĩ tổng vệ sinh toàn đơn vị. “Những chiếc bánh chưng xanh được các chiến sỹ tự tay chuẩn bị từ rửa lá dong, vo gạo, ướp thịt, gói bánh, không khí vui vẻ, ấm cúng như một đại gia đình” - Thượng tá Đỗ Anh Quyến chia sẻ.

Hơn 30 năm công tác trong lực lượng Công an, Thượng tá Đỗ Anh Quyến đã không còn nhớ mình đón Giao thừa ở đơn vị bao nhiêu lần. Cũng như những người lính chữa cháy khác, đối với anh, việc trực Tết, đón Giao thừa tại “ngôi nhà thứ hai” này là rất đỗi bình thường.

Chiều 30 Tết năm nào cũng vậy, khi người người, nhà nhà quây quần bên mâm cơm tất niên, thì ở đơn vị của những người lính cứu hỏa cũng vui vẻ với bữa cơm tất niên giản dị cùng các món đặc trưng ngày Tết, do các CBCS chuẩn bị. Tết ở đơn vị, xa gia đình nhưng luôn ấm áp tình đồng chí, đồng đội, đó cũng là nguồn động viên tinh thần lớn đối với người lính cứu hỏa.

Một mùa xuân mới đang về, những người lính cứu hỏa luôn kề vai, sát cánh, cùng nhau xông pha trong những trận chiến với “giặc lửa” để cứu người, tài sản và giờ đây họ lại truyền cho nhau hơi ấm của ngày xuân. Với họ, quan trọng hơn cả là mọi người, mọi nhà đều an toàn, hạnh phúc.