Dồn dập trở lại Thủ đô sau kỳ nghỉ dài

ANTĐ - Sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, chiều tối qua 1-5, người dân khắp các tỉnh đã dồn dập đổ về Hà Nội khiến các bến xe, cửa ngõ Thủ đô rơi vào cảnh đông cứng. Ai cũng mệt mỏi, vì quãng đường dài bị nhồi nhét trên những chuyến xe chật như nêm. 

Các bến xe đều chật ních người

Vé đắt gấp đôi, khách vẫn bị nhồi

Các con đường dẫn vào Thủ đô, mọi bến xe dường như đều quá tải trong buổi chiều qua 1-5. Tại các bến xe như Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm… hàng nghìn chuyến xe đổ về với lượng hành khách đông như nêm, chật cứng. Hàng nghìn người vừa trải qua những quãng đường dài, mướt mải mồ hôi, vạ vật ngồi chờ người nhà hoặc đón xe buýt.

Vừa bước xuống khỏi chiếc xe khách chạy tuyến Thanh Hóa - Hà Nội, Vũ Đại, sinh viên trường ĐH Thương Mại vừa thở hắt ra, tay lau mồ hôi, mặt nhăn nhó vì chiếc balô khá nặng đeo trên vai. Đại cho biết, phải trả 200.000 đồng cho tuyến đường từ Thanh Hóa ra Hà Nội: “Chiều về do đi xe khách dọc đường, em đã phải trả 150.000 đồng/chặng, không ngờ chiều ra còn đắt hơn 50.000 đồng, trong khi ngày thường, giá vé chỉ bằng một nửa”. Tuy nhiên, theo Đại, cậu vẫn còn khá may mắn vì rút kinh nghiệm, ngay sau bữa cơm trưa, đã tất tả tìm xe khách ra Hà Nội nên vẫn có ghế để ngồi: “Chiếc xe chỉ có 45 chỗ, nhưng nhà xe chắc phải nhồi tới 60 người. Ngoài các ghế cứng, nhà xe còn kê thêm một hàng ghế nhựa ở giữa”. 

Không chỉ có vậy, thậm chí, nhiều nhà xe còn thu tiền theo tuyến. Không ít hành khách đi chặng ngắn Phủ Lý - Hà Nội đều phải trả giá vé đồng hạng như Nam Định - Hà Nội, nếu thắc mắc hoặc không đồng ý mức giá này thì nhà xe cũng lắc đầu từ chối khách. Để “câu” khách lên xe, một số nhà xe còn dùng chiêu cố tình để vài chỗ ghế trống, đánh lừa người đi. Bác Trần Thị Lài, quê ở Thanh Sơn, Phú Thọ bức xúc: “Tôi vốn bị say xe, nên cũng cân nhắc rất kỹ, qua vài lượt mới lên xe. Hỏi còn ghế không thì họ bảo còn, tôi nhìn vào xe thì đúng là còn mấy ghế trống, thế là đồng ý. Nhưng khi tôi định ngồi vào ghế trống đó thì một phụ xe bảo, chỗ đó đã có người đặt, rồi chỉ tôi ngồi xuống chiếc ghế nhựa kê giữa lối đi. Quá mệt mỏi, tôi không còn muốn đôi co hay thắc mắc nữa, chỉ hy vọng nhanh đến Hà Nội để thoát quãng đường khổ ải”. 

Một trong những điểm “nóng” nhất trong buổi chiều 1-5 phải nhắc tới là bến xe Mỹ Đình. Dù đã dành hẳn một đường khá thoáng sát cạnh cho xe vào bến nhưng cũng nhanh chóng tắc cứng vì xe về quá đông, nhiều xe không vào được bến đã đổ khách tại đây. Các bến xe khác như Giáp Bát, Gia Lâm cũng trong cảnh tương tự.  Từ ngoài đường vào đến bến xe đều chật như nêm, đặc biệt tại những điểm chờ xe buýt, người người tay xách nách mang ngồi chờ xe. 

Nếu phát hiện vi phạm sẽ đình tài 

Theo ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc Bến xe Gia Lâm, sau đợt nghỉ lễ kéo dài, người dân từ các tỉnh đổ về các bến khá đông, cao điểm nhất từ 15h-18h ngày 1-5. “Lượng khách về bến vào cùng một thời điểm và vượt tới 170 – 180% so với ngày thường”, ông Trúc cho biết. Bởi lượng khách dồn về cục bộ, quá đông nên xe buýt dù đã được tăng cường nhưng vẫn không giải tỏa kịp lượng người về bến. Đề cập đến việc hành khách bị nhà xe nhồi nhét, “chặt chém” giá vé, ông Trúc khẳng định, người dân đi xe nếu gặp tình trạng đó thì có thể điện về đường dây “nóng” của bến xe 04. 38.271.529- 0913.234.684, lãnh đạo bến xe sẽ thực hiện đình tài xe, đồng thời yêu cầu nhà xe khắc phục vi phạm và hoàn tiền cho khách. Song, đến thời điểm này, lãnh đạo bến xe Gia Lâm, bến xe Giáp Bát vẫn chưa nhận được phản ánh về tình trạng thu vé cao hơn so với quy định của các xe khách.

Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết, Công ty đã lập các đường dây “nóng” của bến xe và Giám đốc một số bến xe tại Hà Nội để khi hành khách bị “bắt chẹt” có thể phản ánh. Bến xe nhận được phản ánh sẽ có phương án xử lý theo quy định. “Trong quá trình đi lại bằng xe khách, người dân phát hiện doanh nghiệp, xe khách nào thu giá vé sai so với niêm yết, đồng thời “nhồi nhét” hãy phản ánh ngay đến lãnh đạo bến xe qua đường dây “nóng”, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc”, ông Trung khẳng định.

CSGT phân luồng mọi tuyến đường

Sau 5 ngày nghỉ lễ liên tiếp, trong sáng qua 1-5, người dân ở khắp các tỉnh thành nối tiếp nhau trở về Thủ đô. Từ 16h, lượng phương tiện gia tăng đột biến trên các tuyến đường cửa ngõ ra vào thành phố. 100% quân số lực lượng CSGT Thủ đô đã ứng trực tại hơn 240 nút, ngã tư trọng điểm, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân.

Được bố trí dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng từ cầu Thăng Long đến bến xe Mỹ Đình, Đội CSGT số 6 được chia thành các tổ công tác liên hoàn tham gia phân luồng chống ùn tắc. Đặc biệt, khu vực xung quanh bến xe Mỹ Đình, hai bên đầu cầu Thăng Long, các nút giao thông lớn ngoài chốt CSGT cố định còn có các tổ CSGT dùng mô tô tuần lưu hỗ trợ xử lý vi phạm và tập trung hướng dẫn phân luồng giao thông. Tại Quốc lộ 5, Đội CSGT số 5 cũng tăng cường bố trí thêm CBCS ở các nút giao thông “nhạy cảm” để điều tiết giao thông nên tình trạng ùn tắc kéo dài không xảy ra. Áp lực giao thông lớn nhất phải kể tới đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Tất cả 100 CBCS của Đội CSGT số 8 đều được lệnh bám đường, chống ùn tắc. Bằng sự chủ động, cho tới 21h cùng ngày, tình hình ATGT trên các tuyến đường huyết mạch và nút giao thông khắp Thủ đô vẫn được đảm bảo an toàn, không xảy ra ùn tắc và TNGT.