Đời sống các văn bản

(ANTĐ) - Đời sống các văn bản: To là luật pháp chủ trương chính sách. Nhỏ là quyết định, chỉ thị. Thế mà từ to tới nhỏ đời sống của chúng cũng dài ngắn như chính cuộc đời này vậy. Có thứ chết từ trong “bào thai”. Có thứ vừa cất tiếng “khóc” chào đời đã chết. Có thứ không sống nổi một tuần trăng. Lại có thứ từ trong ý tưởng cho đến hiện thực còn sống mãi với thời gian...

Đời sống các văn bản

(ANTĐ) - Đời sống các văn bản: To là luật pháp chủ trương chính sách. Nhỏ là quyết định, chỉ thị. Thế mà từ to tới nhỏ đời sống của chúng cũng dài ngắn như chính cuộc đời này vậy. Có thứ chết từ trong “bào thai”. Có thứ vừa cất tiếng “khóc” chào đời đã chết. Có thứ không sống nổi một tuần trăng. Lại có thứ từ trong ý tưởng cho đến hiện thực còn sống mãi với thời gian...

Đời sống thật và đời sống ảo, sống hay chết đều có ngắn, có dài. Có chết mà như đang sống và cũng có đang sống mà như đã chết.

Chứng kiến sự sống và cái chết, người bi quan trước những cái chết được báo trước nghĩa là chưa chết ngay thì bảo: Đợi đến khi sự chết xảy ra thì tai họa trên nhân gian này đã xảy ra rồi. Người lạc quan lại bảo khoảng thời gian của cái chết đã được báo trước ấy so với một đời người, so với lịch sử có thấm tháp gì! Thế nào rồi thì, cái quy luật nhân quả của phép duy vật biện chứng, của kinh nhà Phật cũng sẽ xảy ra mà thôi.

Gần đây, những việc to, việc nhỏ đều là những minh chứng sống động cả. Chẳng hạn việc nhỏ như: Quyết định về vai trò của cuốn “sổ đỏ” trong cấp phép xây dựng, quyết định về phân cấp quản lý hè đường. Rồi quyết định về thu phí sử dụng hè đường... Thật là hơi bị nhiều các quyết định gây tranh cãi, gây xáo động lòng người!

Nhưng sự đời bao giờ cũng vậy: Chỉ có trong xáo động, trong giông bão mới sáng tỏ vàng thau, mới thử thách độ vững tay chèo lái.

Ai cũng biết rằng cái hè đường và nhiều thứ khác nữa có đời sống lịch sử của nó. Một đời sống pha trộn giữa đô thị và làng quê, giữa mục tiêu và tầm nhìn.

Ai cũng biết rằng tốc độ tăng dân số và phương tiện giao thông bị cái hè đường làm vướng tầm nhìn mà tình cảnh ùn tắc, tình cảnh tìm được một nơi đỗ xe, để xe ôtô, xe gắn máy thật là bi hài kịch.

Cứ chiếu theo luật pháp thì vỉa hè và lòng đường chỉ dành cho giao thông. Làm khác là trái luật pháp, vi phạm một văn bản pháp luật đang sống sờ sờ ra đấy.

Cấp phép và thu phí sử dụng lòng đường vỉa hè ngoài phạm vi giao thông (buôn bán việc cưới, việc tang...) không thể bảo khác: Đó là những quyết định vi phạm Bộ luật có hiệu lực cao nhất về giao thông. Vận dụng các văn bản pháp luật khác, hiệu lực thấp hơn Luật Giao thông vẫn là trái pháp luật.

Người quản lý vững tay và biết đâu đấy là hợp đạo lý nếu như ra quyết định:

Chẳng hạn: Bãi đỗ xe, để xe, chìm hoặc nổi, có khu vực riêng biệt hoặc phải dùng một phần vỉa hè, lòng đường mà vẫn dành hè đường cho người đi bộ, không gây ùn tắc giao thông là vấn đề thuộc về giao thông; phải được phép, có phép, được quy định thống nhất, quản lý thống nhất không có ngoại lệ.

Các cơ quan quản lý quy hoạch và xây dựng hạ tầng phải trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước nhanh chóng đầu tư hạ tầng giao thông mà cấp bách nhất là con đường và nơi để xe, đỗ xe. Trong tình cảnh hiện nay, chỉ đến lúc đó, mới có thể hạn chế việc sử dụng hè đường làm nơi để xe, đỗ xe. Còn việc kinh doanh trên hè đường về nguyên tắc không thể cấp phép cho phép, thu phí việc kinh doanh, buôn bán và những hoạt động ngoài giao thông trên lòng đường, vỉa hè. Những trường hợp cá biệt chỉ là tạm thời phải được quy định chặt chẽ về thời gian và không gian. Quy định loại này cũng phải thống nhất, không có ngoại lệ. Kinh nghiệm cho thấy có ngoại lệ, hoặc ngoại lệ tràn lan - không thống nhất sẽ phá vỡ quy định, phá vỡ luật pháp.

Việc quản lý cần có đội ngũ đốc công chuyên nghiệp, cũng cần có những con người hoạch định và ra quyết định chuyên nghiệp.

Hai dạng người ấy đều là hạt nhân của quản lý. Nhưng không thể lẫn lộn. Đặc biệt là người hoạch định và quyết định thì không phải là đốc công. Sẽ ít có các quyết định gây tranh cãi, gây xúc động lòng người khi có ngày càng nhiều hơn những người hoạch định và ra quyết định chuyên nghiệp. Chúng ta đang nghiên cứu xây dựng thí điểm chính quyền đô thị. Xây dựng mô hình tổ chức các nguyên tắc là việc làm đầu tiên v.v... Nhưng cái cần có nhất, chính là lựa chọn được những đốc công và những người hoạch định, ra quyết định có tri thức chuyên nghiệp. Không có tri thức chuyên nghiệp, chắp vá hoặc “râu ông nọ cắm cằm bà kia” thì “đời sống” các chỉ thị, các quyết định sẽ cho ngay hậu quả tác hại, cho dù các chỉ thị, các quyết định còn sống hoặc đã báo trước cái chết. Chả thế mà đâu đâu người ta đều có chung một niềm ao ước giản dị, sao cho các loại văn bản đi vào đời sống, đi vào cuộc sống ấy là vậy.

Thành Hưng