Đối mặt với sức ép

(ANTĐ) - Chỉ số giá tiêu dùng tháng cuối cùng của năm 2009 “bấp bênh” ở con số 1,34%. Điều đó cảnh báo một đợt “gió” lạm phát mạnh có thể ập cửa năm mới. Thêm vào đó là một loạt sức ép sẽ dồn dập đến vào năm 2010 khi nền kinh tế mới vượt qua giai đoạn hiểm nghèo. Nhiều doanh nghiệp mặc dù đã phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thoát hẳn tình trạng khó khăn vẫn trong trạng thái “cầm cự”.

Đối mặt với sức ép

(ANTĐ) - Chỉ số giá tiêu dùng tháng cuối cùng của năm 2009 “bấp bênh” ở con số 1,34%. Điều đó cảnh báo một đợt “gió” lạm phát mạnh có thể ập cửa năm mới. Thêm vào đó là một loạt sức ép sẽ dồn dập đến vào năm 2010 khi nền kinh tế mới vượt qua giai đoạn hiểm nghèo. Nhiều doanh nghiệp mặc dù đã phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thoát hẳn tình trạng khó khăn vẫn trong trạng thái “cầm cự”.

Trong thông điệp năm mới 2010, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2009.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nền kinh tế nước ta vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, sức ép ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững không chỉ trước mắt, mà cả những năm tiếp theo, nhất là nguy cơ về ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát cao trở lại. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, kinh tế vĩ mô ổn định chính là tiền đề vững chắc cho tăng trưởng bền vững.

Năm 2010 đà tăng trưởng kinh tế có thể được duy trì nhưng có sức ép lạm phát. Vì vậy, việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ sẽ phải linh hoạt hơn và áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp tổng thể. Sức ép đối với ngành tài chính là gì? Là phải đảm bảo đủ “sức khỏe” cho nền kinh tế, tức là tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt có kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả chi, giảm bội chi ngân sách Nhà nước năm 2010 xuống dưới 6,2%.

Đặc biệt khắc phục tình trạng chi ngoài dự toán, chi vượt dự toán không đúng thẩm quyền và sai quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Nhận xét về sức ép mà nền kinh tế sẽ phải đối mặt trong năm 2010, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ rõ, có những mặt hạn chế đã tích tụ trong nội tại nền kinh tế, song cũng có những hạn chế mới phát sinh do tác động trái chiều của việc thực hiện các chính sách mới ban hành cũng như những bất cập trong việc tổ chức triển khai các giải pháp làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển năm 2009 và 2010.

Ông Chủ nhiệm Ủy ban dự báo, từ nay đến hết năm vẫn nhiều sức ép và khả năng sẽ không đạt kế hoạch một số chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế như tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu. Chính vì thế, năm 2010 cần tiếp tục thực hiện chính sách kích thích kinh tế một cách hợp lý. Cần nghiên cứu, đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện thực trạng kinh tế. Tập trung đảm bảo các cân đối vĩ mô quan trọng; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Tiếp tục đẩy mạnh tiến trình đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp. Để nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, ngoài những việc cần làm ngay, phải thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đây là điều kiện quyết định để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh  toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Vừa phát triển tiệm tiến, vừa đi tắt-bắt kịp trong những lĩnh vực khoa học công nghệ thay đổi nhanh. Ngay từ năm 2010 phải đẩy nhanh tiến trình này.

Nhạy bén nắm bắt kịp thời xu thế biến động của thế giới đồng thời điều hành đúng lúc, quyết liệt và phù hợp với tình hình thực tế đã giúp nền kinh tế không tụt sâu vào khủng hoảng mà còn hạn chế được mức độ suy giảm. Đó là thành công lớn nhất trong điều hành kinh tế của Việt Nam trong năm 2009. Đó cũng có thể coi là “bí quyết” để đối mặt với sức ép trong năm 2010 này.

Đan Thanh