“Đối mặt với B - 52”

ANTĐ - Không thuật lại một chiến thắng quân sự lẫy lừng, cũng không nhằm mục đích trở thành một thiên hùng ca tuyên truyền, bởi việc đó đã có một Bảo tàng về chiến thắng B - 52 và những bài ca “Tiếng hát át tiếng bom” nổi tiếng trong những ngày cuối tháng 12-1972 ghi lại. Cuốn sách “Đối mặt với B - 52” chỉ đơn giản là chân dung một Hà Nội của 40 năm về trước, đau thương mất mát, cùng cả những cách thích ứng linh hoạt đến khó tin. 

ách này được thực hiện với sự góp mặt của 116 nhân chứng, nhân chứng trẻ nhất sinh năm 1966, khi đó mới 6 tuổi và nhân chứng nhiều tuổi nhất sinh năm 1910. Viết theo mạch thời gian từ thời điểm miền Bắc chống chiến tranh phá hoại, sách gồm 3 phần, dựng lại bối cảnh cuộc sống của người Hà Nội những năm 1966-1972 và quá trình Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu làm thế nào để hạ được “pháo đài bay” B-52. Tiếp theo là quãng thời gian 12 ngày đêm với cuộc chiến chống lực lượng hùng hậu của Không quân và Hải quân Mỹ cũng như sự đối phó của những người Hà Nội còn ở lại Thủ đô. Phần cuối cùng là câu chuyện của Hiệp định Paris dưới tác động của “Điện Biên Phủ trên không” cũng như điểm qua quá trình đàm phán gần 5 năm của cuộc chiến ngoại giao gian khổ lâu dài hiếm có để có được hòa bình lập lại trên miền Bắc. 

Sách cũng không quên hồi tưởng về cuộc sống ở Hà Nội những ngày hòa bình trở lại, xuyên suốt nội dung, người đọc cảm nhận được một hành trình không quá một thập niên nhưng có lẽ dài bằng cả nửa đời người. 

Cuốn sách dĩ nhiên có đủ các số liệu để trở thành một pho sử ký về cuộc đối mặt không cân sức, khi mà “Điện Biên Phủ trên không” đã là thất bại duy nhất của “pháo đài chiến lược” do hãng Boeing sản xuất trong nửa thế kỷ qua. 

Một diễn viên Mỹ nổi tiếng, Jane Fonda, đã viết trong hồi ký khi kể về những ngày đến Hà Nội năm 1972: “Chúng tôi lái xe xuyên thành phố đến Bệnh viện hữu nghị Việt-Xô để tôi khám chân… Phiên dịch trong ngày của tôi là Chi. Cô nói với các bác sĩ tôi là người Mỹ, và câu giới thiệu này gây xôn xao xung quanh. Tôi tìm một biểu hiện hằn thù trong mắt những người tôi thấy. Nhưng tuyệt nhiên không có gì. Những ánh - mắt - không - hận - thù ấy ám ảnh tôi suốt nhiều năm sau khi cuộc chiến chấm dứt...”.

Cuốn sách này mở ra cho người đọc ngày nay gặp những con người Hà Nội không hận thù như Jane Fonda đã viết, những người đã sống một cuộc sống quả cảm cho dù trước mặt là thách thức nào đi nữa.