"Đổi đời" ngân hàng
(ANTĐ) - Trước thềm Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, thường diễn ra một sự kiện: Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam. Vừa qua, tại Diễn đàn, đại diện cho hơn 30 định chế tài chính của hơn 15 quốc gia đã kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước 3 vấn đề lớn cần được ưu tiên giải quyết.
Đó là: một lộ trình nhìn xa trông rộng cho ngành ngân hàng; hiệu suất và sự minh bạch trong cách thức hoạt động của thị trường và các biện pháp để giảm “chi phí” cung cấp các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng. Cuối cùng là những nguyên tắc hướng dẫn rõ ràng và loại bỏ những rào cản lớn đối với ngân hàng bán lẻ và tài chính tiêu dùng.
Lộ trình nhìn xa trông rộng là kế hoạch 5-7 năm, trong đó Chính phủ cần dự đoán ngành ngân hàng sẽ phát triển như thế nào đến năm 2015 và những biện pháp nào cần theo đuổi để đạt được mục tiêu đề ra. “Tầm nhìn xa” là thế, còn nhìn “cận cảnh” thì sao? Hiện nay cả nước có khoảng 80 ngân hàng thương mại, theo Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Standard Chartered (Anh) tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Việt Nam có quá nhiều ngân hàng, nhất là có tới 25% số ngân hàng hiệu quả kinh doanh hạn chế.
Điều này khiến lòng tin vào hệ thống ngân hàng có nguy cơ sa sút vì sự bất an và thiếu tính thanh khoản. Vì thế, Chính phủ cần khuyến khích việc sáp nhập các ngân hàng. Số lượng ít hơn nhưng mạnh hơn và hoạt động vững chắc hơn. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, làm sao để người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng tăng hơn tỷ lệ 10% dân số?
Cần làm gì để hạn chế nền “kinh tế tiền mặt”? Có cách nào để giải quyết nhanh chóng tình trạng dai dẳng “đô la hóa” nền kinh tế và giúp cho chính sách tiền tệ hiệu quả hơn? Cả “chuỗi” vấn đề này như những mắt xích móc chặt vào nhau. Trong khi ấy, phong trào “đô thị hóa” ngân hàng đã và đang âm thầm diễn ra.
Một loạt ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn ra đời để phục vụ nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là bà con nông dân nghèo đang lần lượt rủ nhau bỏ nông thôn ra thành phố. Nhiều Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước “mạnh tiền” đã tìm cách “thôn tính” các ngân hàng “nhà nông” bằng cách mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược. Rồi từ đó tiếp sức giúp các ngân hàng thay cả “ruột lẫn vỏ”, chuyển đổi mô hình từ ngân hàng nông thôn lên ngân hàng đô thị.
Muốn cởi bỏ chiếc áo “nông dân”, trước hết phải nhập cư vào các thành phổ lớn như Hà Nội, TP.HCM để cắm trụ sở chính. Chuyện này không khó gì, có nhiều tiền khắc có “mặt tiền” ngon lành. Bước tiếp theo là “thay tên đổi họ”. Bởi vì, theo quy định, nếu không cắt được cái đuôi “nông tthôn” thì nghiệp vụ kinh doanh, địa bàn hoạt động chỉ quanh quẩn trong lũy tre làng.
Hệ quả là gì? Vùng nông thôn đã vắng lặng càng thêm hiu hắt. Người nông dân vốn quanh năm giật gấu vá vai” từng đồng tiền đầu tư vào đồng ruộng, nay lại càng khó “chạm tay” vào các nguồn tài chính chính thức. Thế nên số ngân hàng thương mại cổ phần mọc lên la liệt ở thành phố. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn nói mấy năm qua hầu như không cấp phép thành lập ngân hàng.
Đan Thanh