Đổi đời cho gái mại dâm

ANTĐ - Không áp dụng quy trình càn quét hoạt động mại dâm thông thường “bắt trước, hỏi sau”, rồi xử họ giống như những nghi phạm hình sự, cảnh sát thành phố Phoenix, bang Arizona Mỹ đã và đang thực hiện Dự án ROSE (viết tắt của Reaching Out on Sexual Exploitation) - một chính sách nhằm xóa nạn mua bán dâm, theo phương pháp “sửa chữa”, “hoàn lương”. 

Dự án đã giúp nhiều người làm lại cuộc đời

Phương pháp sáng tạo 

Dự án ROSE được thành phố Phoenix, bang Arizona thực hiện từ năm 2011 đến nay. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa Dominique Roe-Sepowitz - Giáo sư xã hội học của trường Đại học Arizona, Giám đốc Phòng Nghiên cứu can thiệp nạn mua bán dâm và Sở Cảnh sát Phoenix. 

Theo đó, 125 nhân viên cảnh sát tiến hành các chiến dịch càn quét trên phố, sử dụng công cụ tìm kiếm trên mạng để lập danh sách những người thuộc diện gái mại dâm. Mỗi lần truy quét, cảnh sát bắt hàng chục gái mại dâm. Nhưng thay vì đưa tới nhà giam, cảnh sát đưa họ tới trường Công tác xã hội bang Arizona. Tại đây, gái bán hoa được xem là “khách hàng”. “Khách hàng” sẽ trải qua một thỏa thuận không ràng buộc với Văn phòng đại diện của Dự án ROSE. Theo đó, họ tình nguyện tham gia Dự án ROSE thông qua chương trình chuyển đổi 36 tuần - khuyến khích họ từ bỏ con đường hoạt động mại dâm: Nếu “khách hàng” đồng ý, họ được một nhân viên phụ trách riêng hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế, nhà ở và các dịch vụ hỗ trợ khác.

Nếu trường hợp gái bán dâm từ chối tham gia Dự án ROSE hoặc không hoàn thành chương trình chuyển đổi 36 tuần của dự án, sẽ bị triệu tập tới tòa án, phải đối mặt với hình phạt tối thiểu bắt buộc đối với người bán dâm. Theo luật áp dụng tại thành phố Phoenix đối với người bán dâm: lần đầu phạm tội bị phạt 15 ngày giam, 30 ngày giam nếu tái phạm lần hai và 60 ngày giam nếu tái phạm lần ba. Các lần tái phạm tiếp theo, luật của tiểu bang Arizona sẽ xem xét hành vi phạm tội nghiêm trọng, hình phạt tối thiểu bắt buộc là 180 ngày giam.

Thiếu úy James Gallagher, nguyên tổ trưởng “cảnh sát giả dạng gái điếm”, người từng bắt giữ một gái mại dâm tái phạm tới 9 lần nói: “Dự án ROSE là một cơ hội vô cùng quý giá cho một số công dân ở vào hoàn cảnh phức tạp”.

Bà Roe-Sepowitz khẳng định, mục tiêu của Dự án ROSE là tìm cách giúp những phụ nữ lỡ bước thoát khỏi cảnh sống nguy hiểm. 35% số phụ nữ (trong đó có 9% là thiếu nữ vị thành niên) trải qua trường công tác xã hội đã trở lại cuộc sống lành mạnh và hữu ích. Tính tới thời điểm này, Dự án ROSE đã giúp hơn 350 người, độ tuổi từ 18-58 hoàn lương.

Những ý kiến tranh cãi

Tháng 3-2014, tại Phoenix tiếp tục dấy lên những tranh cãi xung quanh việc giam giữ và xét xử nữ sinh bán dâm Monica Jones. Jones là một trong 366 người đã bị bắt hoặc bị giam giữ bởi cảnh sát trong dự án ROSE. 

Vào ngày cô bị bắt, Jones đã đăng tải trên trang web môi giới mại dâm Backpage.com, cảnh báo các “đồng nghiệp” một cuộc truy quét sắp xảy ra. Không ngờ, Jones lại chính là người bị giăng bẫy. Theo Jones, sau khi ngã giá với một vị khách ở một quán bar (địa điểm cô thường xuyên bắt khách), cô đồng ý lên xe, không chút nghi ngờ. Nhưng vừa vào xe, cô đã bị “khách làng chơi” còng tay. Lúc này, cô mới biết “khách làng chơi” này là cảnh sát. Khi ở Văn phòng của dự án ROSE, cô yêu cầu được gọi điện thoại và được gặp luật sư riêng, nhưng đều bị từ chối. 

Thay vào đó, cô phải nghe các cảnh sát ở lực lượng chống tội phạm xã hội thành phố Phoenix mô tả các cô gái dấn chân vào con đường mại dâm ra sao, rồi sa vào ma túy không lối thoát. Không đồng ý với quan điểm của dự án, Jones đề nghị rút khỏi chương trình. “Tôi không xấu hổ vì tôi là một người lao động tình dục. Tôi liên tục nhắc lại điều này khi tham gia chương trình cải tạo. Các chị, em gái có thể hỏi tôi vì sao tôi không có cùng suy nghĩ như họ. Bởi vì tôi có quyền đối với cơ thể của chính mình”, cô nói.

Dù vậy, cho tới thời điểm này, việc áp dụng phương pháp trong dự án ROSE của cảnh sát Phoenix vẫn được đánh giá là sáng tạo, nhân đạo bởi theo quy trình càn quét hoạt động mại dâm thông thường của cảnh sát Mỹ là bắt trước, hỏi sau. Khi một gái bán hoa bị bắt, chủ chứa hoặc bọn ma cô sẽ nộp tiền bảo lãnh và cô ta sẽ tiếp tục sống dưới sự quản lý của chúng, giao nộp gần hết hoặc toàn bộ số tiền kiếm được và lặp đi lặp lại vòng quay đó. Trong khi đó, cảnh sát Phoenix đồng thời vẫn tiếp tục bắt giữ nhiều gái bán hoa và truy nã chủ chứa, vừa tiến hành song song việc hợp tác với các hội luật sư, các đoàn thể xã hội nhằm giúp các cô gái lầm đường muốn giải thoát, làm lại cuộc đời.