Bước vào ngưỡng cửa lớp 1
Đọc trơn, viết chữ nhỏ -“chuyện vặt”!
(ANTĐ) - Ngày 16-8, học sinh tiểu học Hà Nội sẽ chính thức tựu trường. Những tiết làm quen với cô giáo, rèn tác phong, những bài học dạo đầu được bắt đầu với vai trò quan trọng bởi đây là thời điểm chuyển giao cơ bản của trẻ từ mẫu giáo với môi trường vừa học vừa chơi bước sang một môi trường học tập nghiêm túc.
Phụ huynh lo ngại con không theo kịp chương trình lớp 1 nếu không học trước (ảnh minh họa) |
Đọc viết thành thạo trước khi vào lớp 1
Những giờ học đầu tiên của trẻ bắt đầu học lớp 1 sẽ là làm quen với chữ cái, con số, ghép vần, các phép tính cộng đơn giản trong phạm vi 10. Cũng trong những buổi đầu tiên, học sinh lớp 1 mới bắt đầu tập tô chữ, viết chữ to, viết các nét xiên, nét thẳng… Thế nhưng trên thực tế những bài học này có thể sẽ nhanh chóng được kết thúc bởi rất nhiều học sinh ngay khi vào lớp 1 đã có thể đọc trơn và viết chữ nhỏ. Trong khi những yêu cầu này thường phải đến cuối học kỳ I, học sinh lớp 1 mới phải đáp ứng theo chương trình giảng dạy của Bộ GD-ĐT.
Có được một trình độ vượt bậc như vậy là do trẻ được học trước. Đã thành thông lệ, cứ hết Tết âm lịch, các mẹ có con sẽ vào lớp 1 trong tháng 9 bắt đầu mách nhau những điểm luyện chữ, học thêm chương trình lớp 1. Mẹ của Nguyến Tiến Đông, học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công cũng được mách nước như vậy. Kết quả là cu cậu được miễn hẳn nửa năm học mẫu giáo lớn để đến lớp luyện chữ sau khi nghỉ Tết Nguyên đán Canh Dần. Chỉ riêng với mỗi buổi luyện chữ, mẹ của Đông phải nộp 80.000 đồng. Chương trình 2 buổi/tuần được cô giáo luyện chữ tăng lên 3 buổi/tuần vì các con sắp bước vào năm học. Chưa kể, Đông vẫn phải học thêm Tiếng Việt và Toán. Với hơn nửa năm ở nhà chỉ để chuyên luyện chữ, tập đọc, làm toán, mẹ Đông chắc chắn, cậu sẽ không gặp khó khăn gì với chương trình lớp 1, dù rằng buổi đầu tập trung đến trường nhận lớp cậu vẫn bám lấy mẹ, khóc nhè…
Lỗi của mẫu giáo hay tiểu học?
Mặc dù biết con phải chịu áp lực học tập quá sớm nhưng các bậc phụ huynh vẫn phải ép con theo học trước chương trình lớp 1 bởi những lo ngại thực tế là với 1 lớp có từ 40 đến hơn 50 học sinh, một mình cô giáo khó có thể cầm tay, chỉnh tư thế cho từng học sinh. Trong khi những trẻ khác đã đọc thông, viết thạo mà con mình chưa biết gì thì rõ ràng sẽ có tâm lý thua kém bạn bè, chưa kể là sợ cô mắng, cô phạt. Để tránh cho con mình vướng phải tình trạng này, các bậc phụ huynh đã phải ép con học ngay khi học mẫu giáo.
Về tình trạng này, các nhà quản lý giáo dục không phải không biết. Bà Lê Minh Hà - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT cũng đã phải đề nghị toàn ngành tuyệt đối không dạy trước chương trình lớp 1 trong buổi tổng kết năm học 2009-2010 và triển khai năm học mới 2010-2011. Theo bà Nguyễn Lan Hương - Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT Hà Nội, để ngăn chặn tình trạng dạy trước trong các trường mầm non, Sở đã có quy định cấm dạy chương trình tiểu học trong các lớp mẫu giáo 5 tuổi. Việc kiểm tra kế hoạch dạy học trong các trường mầm non công lập cũng được các cấp quản lý thực hiện thường kỳ cũng như đột xuất để phát hiện những trường hợp dạy trước chữ cho trẻ.
Tuy nhiên, bà Hương cũng cho biết, nếu như các trường mầm non công lập được quản lý chặt chẽ thì những trường tư thục khó có thể kiểm soát được. Trong khi đó, để thu hút trẻ đến trường, có những trường mẫu giáo tư thục mời hẳn cô giáo tiểu học về kèm thêm cho các cháu 5 tuổi là chuyện vẫn xảy ra. Ngoài ra, năm học ở trường mẫu giáo thường kết thúc vào cuối tháng 5 hàng năm. Từ thời điểm này trở đi, việc học trước chương trình lớp 1 hay không hoàn toàn do phụ huynh toàn quyền quyết định.
Tương tự như vậy, bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng việc kiểm soát các trường mẫu giáo tư thục trên địa bàn thành phố là không thể. Đánh giá về tình trạng này, bà Thanh cho rằng, vấn đề phải được giải quyết với sự phối hợp của bậc tiểu học. Nếu bậc tiểu học có thể chắc chắn rằng trẻ không học trước chương trình vẫn có thể theo kịp chương trình, đồng thời không có sự so sánh, phân biệt giữa học sinh đã biết chữ và chưa biết chữ thì bậc mầm non mới bỏ được áp lực của phụ huynh. Ngoài ra, bà Thanh còn cho rằng, việc dạy trước xuất phát từ thực tế giáo viên tiểu học vẫn phải dạy thêm, dạy trước cho trẻ bởi thu nhập từ việc dạy học trong trường không thể đáp ứng với mức chi tiêu hiện nay. Và như vậy, lời giải cho tình trạng dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mẫu giáo vẫn chưa thể thực hiện.
Vinh Hương