"Đọc" khẩu vị cho vay bất động sản của các ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong khi Vietcombank tập trung chủ yếu vào phân khúc khách hàng cá nhân thì Techcombank lại có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp, chủ đầu tư lớn.

Vietcombank tập trung phân khúc khách hàng cá nhân

Theo Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng, năm 2022, tín dụng bất động sản tại ngân hàng này tăng 17,5% và chiếm trên 20% tổng dư nợ, bao gồm cả cho vay doanh nghiệp phát triển bất động sản và khách hàng cá nhân mua nhà.

Lãnh đạo Vietcombank khẳng định trong mọi thời điểm của năm, Ngân hàng không khóa room đối với các doanh nghiệp bất động sản mà luôn sẵn sàng cho vay đối với các dự án hiệu quả, cũng như người dân cần mua nhà để ở.

Trong đó, Vietcombank tập trung cho vay khách hàng cá nhân với 90% tổng tín dụng bất động sản được ngân hàng giải ngân cho nhóm khách hàng này, 10% còn lại là cho vay doanh nghiệp, trong đó tập trung phần lớn vào các doanh nghiệp phát triển bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo lý giải của lãnh đạo Ngân hàng, việc phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất vừa góp phần thu hút FDI, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Năm 2022, dư nợ với tín dụng bất động sản tiểu ngành này tăng gấp 4 lần so với năm 2021. Các năm tiếp theo, đây vẫn nằm trong định hướng cấp tín dụng của Vietcombank.

Vietcombank tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân vay mua nhà

Vietcombank tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân vay mua nhà

Với bất động sản khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng, ngân hàng sẽ tăng tín dụng chọn lọc vào lĩnh vực này, chọn các doanh nghiệp bất động sản uy tín trong bối cảnh ngành du lịch đang phục hồi. Cùng với đó, ngân hàng cũng sẽ tăng trưởng có chọn lọc với bất động sản cho thuê.

Với cá nhân mua nhà ở, đất ở, Vietcombank cho biết sẽ tập trung vào các cá nhân mua nhà để sử dụng; trong khi sẽ thắt chặt với phân khúc giá trị cao. Vì thực tế cho vay cho thấy phân khúc này gặp rất nhiều vướng mắc như giấy phép, phê duyệt đầu tư… Các NHTM khi thẩm định pháp lý dự án phải chặt chẽ hơn, bản thân các NHTM cũng phải phòng rủi ro…

“Anh cả” Techcombank giảm cho vay chủ đầu tư

Techcombank hiện là nhà băng cho vay bất động sản dẫn đầu hệ thống, mà theo như đánh giá của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, đây là ngân hàng “toàn tâm, toàn lực cho lĩnh vực bất động sản”.

Tuy nhiên, “khẩu vị” của Techcombank có phần trái ngược so với Vietcombank khi nhà băng tập trung nhiều vào phân khúc cho vay doanh nghiệp bất động sản. Báo cáo tài chính quý IV/2022 cho thấy, cho vay đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản trong năm 2022 của Techcombank là 108.805 tỷ đồng, chiếm tới 56% tổng dư nợ cho vay các tổ chức kinh tế của ngân hàng.

Dù vậy, lãnh đạo Techcombank cho biết, năm 2022, chủ trương của ngân hàng là giữ ổn định đối với cho vay chủ đầu tư, hỗ trợ cho những dự án có sản phẩm tốt, để triển khai và giao nhà cho người mua nhà, do đó dư nợ 2022 giảm khoảng 10% so với 2021.

“Khẩu vị của Techcombank trong 2022 đảm bảo chặt chẽ. Ngân hàng xem xét thận trọng, tài trợ cho các dự án có pháp lý đầy đủ, chất lượng sống tốt, môi trường sống tốt, được người dân quan tâm, nên số lượng dự án và đầu tư giảm xuống” – lãnh đạo ngân hàng cho biết.

Tín dụng bất động sản tại Techcombank giảm trong năm 2022

Tín dụng bất động sản tại Techcombank giảm trong năm 2022

Về cho vay đối với cá nhân, năm 2022, Techcombank đã cho 46 nghìn khách hàng cá nhân vay mua nhà với tổng dư nợ 190 nghìn tỷ đồng, tăng đáng kể so với năm 2021. Dư nợ bình quân mỗi khách hàng là hơn 4 tỷ đồng. Gần 70% khách hàng vay mua nhà đã nhận bàn giao nhà.

Lãnh đạo Techcombank cũng nêu thực trạng năm 2022, tình hình dịch bệnh và khó khăn kinh tế, lãi suất tăng làm tâm lý người mua nhà thận trọng hơn. Điều này thể hiện rõ ở tốc độ bán hàng của chủ đầu tư chậm lại, chỉ bán được bằng 50% năm trước; 33% dư nợ đến hạn của khách hàng cá nhân trả trước hạn. Khả năng phát hành trái phiếu chậm lại nên dồn lên vai ngân hàng. Do đó, ngân hàng sẽ tập trung vốn cho nhu cầu ngắn hạn.

Ngân hàng cũng muốn doanh nghiệp tự cơ cấu

Tại ngân hàng BIDV, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc Ngân hàng thông tin, hết năm 2022, tổng dư nợ cho vay bất động sản tại BIDV là 275 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng dư nợ tín dụng. Riêng năm 2022, dư nợ cho vay bất động sản tăng 46 nghìn tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 20% so với năm trước.

Ông Lê Ngọc Lâm cho biết BIDV tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân với 217.000 tỷ đồng, chiếm 79% dư nợ cho vay bất động sản. Hiện ngân hàng vẫn cho vay đối với bất động sản và không giảm hay kiểm soát đối với dư nợ này.

Ngân hàng muốn các doanh nghiệp tự cơ cấu để giải quyết khó khăn tài chính

Ngân hàng muốn các doanh nghiệp tự cơ cấu để giải quyết khó khăn tài chính

Về phía Ngân hàng MB, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc cho hay, những năm qua MB dành khoảng 8% dư nợ hàng năm để cho vay bất động sản.

Nói về khó khăn trong giải ngân một số dự án thiếu tính thanh khoản, dù dự án có giá trị lớn, ông Lưu Trung Thái thẳng thắn cho rằng là do doanh nghiệp đã dễ dãi trong thiết kế tài chính.

“Một khi đã chọn điều kiện cho vay dễ thì không quản lý được dòng tiền. Chọn những phương án có điều kiện pháp lý ở mức thấp dẫn đến những rủi ro về sau, thực chất là dễ ban đầu nhưng khó về sau”, ông Thái nói.

CEO của MB cũng cho rằng các chủ đầu tư đang tập trung vào phân khúc cao cấp. Trong khi phía ngân hàng không mong muốn cho vay đối với các sản phẩm có giá trị cao, bởi phân khúc này chỉ phục vụ một số ít khách hàng.

Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc, phụ trách Ban điều hành VietinBank dù khẳng định “chúng tôi đã rất yêu quý các anh chị (lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản - PV), và bày tỏ “mong muốn hành động cùng các anh chị để cùng vượt qua khó khăn hiện nay”, song ông cũng cho rằng bản thân doanh nghiệp cũng cần phải tự cơ cấu.

“Tôi cho rằng các doanh nghiệp nên tự cơ cấu, các anh chị bán đi tài sản, vấn đề là bán bao nhiêu", Phó Tổng giám đốc Vietinbank nói.