Doanh nghiệp vẫn "còng lưng" gánh phí

ANTD.VN - Các thủ tục kiểm tra rườm rà với chi phí cao vẫn khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu. 

Doanh nghiệp vẫn chịu nhiều chi phí bất hợp lý

Dù năm 2017 được chọn là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, song báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017 vừa diễn ra cho thấy, việc cắt giảm một số loại phí, lệ phí vẫn còn rất khiêm tốn.

"Tất cả các dự thảo đều đề xuất giảm phí, lệ phí xuống mức thấp hơn so với hiện tại. Tuy nhiên, nhiều trường hợp mức giảm rất hạn chế, chưa thể hiện đúng tinh thần cải cách, thay đổi thực sự mà doanh nghiệp kỳ vọng"- VCCI cho biết.

Cụ thể, nhiều trường hợp phí cấp phép dù đã giảm nhưng vẫn cao hơn chi phí mà cơ quan Nhà nước bỏ ra để thực hiện thẩm định cấp phép, nhất là trong các hoạt động thẩm định chủ yếu thực hiện thông qua việc xem, kiểm tra giấy tờ, dữ liệu có sẵn, không bao gồm việc kiểm tra thực địa hay giám định kỹ thuật trực tiếp. 

Đơn cử như phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản quy định tại Thông tư 230/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo Thông tư này, phí thẩm định mỗi lần là 700.000 đồng và dự thảo Thông tư sửa đổi thì mức giảm xuống còn 630.000 đồng/lần. 

Theo tính toán của một doanh nghiệp chế biến cá ngừ cỡ vừa, trong năm 2016, doanh nghiệp cần tới 1.200 bộ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. Như vậy, mức phí doanh nghiệp này phải chi trả cho việc thẩm định là 756 triệu đồng/năm. 

"Mức phí này quá lớn đối với doanh nghiệp trong khi việc thẩm định cấp xác nhận của cơ quan Nhà nước chỉ là nhập và kiểm tra trên hệ thống các thông tin mà doanh nghiệp khai báo. Chưa kể, mức phí này trái với bản chất của phí được quy định tại Luật phí và lệ phí 2015 là "mức phí phải được xác định dựa trên chi phí của cơ quan Nhà nước bỏ ra để thực hiện dịch vụ công"- VCCI cho hay.

Cũng theo VCCI, một số loại phí khác đang có sự bất hợp lý. Chẳng hạn, như phí thẩm định cấp, cấp gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động do Bộ LĐ-TB&XH thực hiện là 20,5 triệu đồng/lần, còn do Sở LĐ-TB&XH thực hiện là 1,2 triệu đồng/lần. 

Như vậy, mức phí do Bộ cấp cao gấp 17 lần so với mức phí do Sở cấp. Đại diện VCCI cho rằng: "Những trường hợp giấy chứng nhận do Bộ cấp là các trường hợp phức tạp hơn, nhưng chắc chắn không thể phức tạp hơn gần 20 lần được"!

Tổng hợp ý kiến phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI cũng cho biết các doanh nghiệp kêu các dự án BOT giao thông có chi phí quá cao, trong khi việc xác định thời gian thu phí, mức phí khi đưa dự án vào hoạt động lại không được giám sát chặt chẽ, dẫn tới tình trạng phí cầu đường quá cao ở một số tuyến giao thông trọng điểm, làm tăng chi vận tải của doanh nghiệp.

VCCI kiến nghị cần bắt buộc đấu thầu cạnh tranh đối với các dự án BOT, đồng thời tăng cường tính minh bạch trong hoạt động đấu thầu, giám sát chặt việc thu phí của doanh  nghiệp.

Bên cạnh đó, do thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhiều, tần suất kiểm tra cao, thời gian kiểm tra còn kéo dài, hạ tầng kho bãi thiếu nên chi phí logistic đang chiếm khoảng 20% chi phí kinh doanh của doanh nghiệp (theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới).

VCCI đề xuất các bộ, ngành sử dụng kết quả chứng nhận sự phù hợp của hàng hóa thay thế các giấy chứng nhận, xác nhận kiểm tra chuyên ngành, nhằm "giảm tải" một cách thực chất chi phí cho doanh nghiệp.