Chất vấn tại Quốc hội: Thông quan hàng hóa ách tắc, 72% do vướng kiểm tra chuyên ngành

ANTD.VN - Sáng nay, 16-11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Hàng loạt câu hỏi “rất nóng” đã được các ĐB gửi tới người đứng đầu ngành tài chính, đặc biệt là ách tắc trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu…

ĐB Nguyễn Tạo chỉ rõ, khâu thông quan hàng ở cửa khẩu hiện đang gây ra nhiều phiền hà cho doanh nghiệp

ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) chỉ rõ, công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá xuất nhập khẩu trong thời gian qua là trở ngại lớn với doanh nghiệp. Việc kéo dài thời gian thông quan hàng hoá tại các cửa khẩu làm tăng chi phí, gây phiền hà cho doanh nghiệp. “Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì để góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm tra chuyên ngành, thúc đẩy và làm lành mạnh hoá hoạt động xuất nhập khẩu?” – ĐB Nguyễn Tạo đặt câu hỏi. 

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, 28% thời gian thông quan nhanh hay chậm là do Hải quan, còn lại 72% là trách nhiệm của các bộ ngành liên quan đến việc tiền kiểm, kiểm tra chuyên ngành của các Bộ. Đây chính là khâu ách tắc mà chúng ta phải tháo gỡ.

Theo Bộ trưởng, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án, giao 13 Bộ ngành xây dựng hoàn hiện các hệ thống văn bản pháp luật theo hướng giảm thiểu số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Đến nay, các Bộ chuyên ngành đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng danh mục các hàng hóa cần kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên hiện vẫn có khoảng 200 danh mục hàng hóa phải quản lý chuyên ngành trước khi thông quan với khoảng 100.000 hàng hóa, mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

Đặc biệt, vẫn có nhiều loại hàng hóa phải chịu sự kiểm tra chuyên ngành của nhiều Bộ, hay một hàng hóa phải chịu sự kiểm tra chuyên ngành của nhiều đơn vị trong cùng một Bộ.

“Ví dụ sữa chua, sữa bột khi nhập khẩu phải có 2 giấy phép của Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT, chịu sự kiểm tra chuyên ngành của cả 2 Bộ. Chúng ta đã có quy định, quy trình kiểm tra và việc kiểm tra phải đẩy mạnh theo hướng xã hội hóa, tức các doanh nghiệp, các cơ sở có thể đầu tư các trang thiết bị và tự kiểm tra theo quy định do các Bộ ngành đề ra.

Song khâu này hiện chúng ta rất yếu, chủ yếu do các đơn vị sự nghiệp công lập của các Bộ đề ra. Cho nên, một phần chúng ta không đáp ứng được yêu cầu, một phần thiếu cả quy chuẩn tiêu chuẩn, có sự chồng chéo. Đây là khâu rất bất cập” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh và nhấn mạnh đây là khâu mà các Bộ ngành phải rà soát, chỉnh sửa lại.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội

Người đứng đầu ngành tài chính nhấn mạnh, các bộ ngành đã vào cuộc nhưng kết quả đạt được chưa nhiều. Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ ngành xây dựng 10 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại 6 địa bàn hải quan chủ yếu, thực hiện kiểm tra tại chỗ để phục vụ thông quan nhanh.

Song các Bộ ngành cũng chưa ủy quyền kiểm tra chuyên ngành cho kiểm định của hải quan. “Nếu chúng ta không tháo được nút thắt này thì rất ách tắc” – ông Dũng nói.

Về các giải pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, phải đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên ngành. Về phía Hải quan, Bộ đang chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện giai đoạn 2 của hệ thống thông quan tự động; nâng cao hiệu quả của các điểm kiểm tra chuyên ngành…

Thời gian tới, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục phối hợp và đôn đốc các Bộ ngành rà soát lại danh mục các mặt hàng xuất nhập khẩu đang phải làm nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành, hướng là sẽ giảm tiền kiểm tăng hậu kiểm, cắt giảm các thủ tục; triển khai cơ chế 1 cửa quốc gia, cơ chế 1 cửa ASEAN, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là phải đồng bộ công nghệ thông tin giữa các bộ ngành để triển khai có hiệu quả…

Trước phần trả lời chất vấn trên của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngắt lời và yêu cầu Bộ trưởng phải chỉ rõ, với các giải pháp như vậy, liệu sau năm 2017 và đến hết 6 tháng đầu năm 2018, ngành tài chính có thể phối hợp với các bộ ngành khắc phục được không?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, khối lượng công việc là rất lớn, đặc biệt để đạt được hiệu quả thì rất cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các bộ ngành, cùng vào cuộc rà soát, cắt giảm, đẩy nhanh thông quan.

“Chúng tôi sẽ tập trung quyết liệt cùng với các bộ ngành và tin tưởng 6 tháng đầu năm 2018 sẽ tạo được bước chuyển biến căn bản về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa” – Bộ trưởng Tài chính cam kết.