Doanh nghiệp tìm cách nhập máy móc, công nghệ mới

ANTĐ - Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, 11 tháng đầu năm 2014, Việt Nam xuất siêu gần 2,1 tỷ USD. Dự báo, năm 2014 sẽ là năm thứ ba liên tiếp, Việt Nam xuất siêu. Tuy nhiên, năm 2015, thành tích này nhiều khả năng sẽ khó lặp lại.

Doanh nghiệp tìm cách nhập máy móc, công nghệ mới  ảnh 1Việt Nam sẽ nhập than để phục vụ hoạt động của các nhà máy nhiệt điện

Tăng trưởng xuất khẩu giảm dần

Theo Bộ Công Thương, tháng 11-2014, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI - không kể dầu thô) ước đạt 8,5 tỷ USD, giảm 6,6% so với tháng 10 và tăng 13,2% so với tháng 11 năm 2013. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 92,2%, tăng 14,1%. Nếu không kể dầu thô, khối doanh nghiệp này xuất khẩu ước đạt 85,4 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2013. Chiếm tới 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước nên khối lượng xuất khẩu của nhóm này giảm dần sẽ kéo theo quy mô hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng. 

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 10-2014 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2015, Việt Nam có thể nhập siêu trở lại ở mức 6-8 tỷ USD, bằng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (ước đạt 163 tỷ USD). Nếu diễn biến cán cân thương mại đúng như dự báo, sau 3 năm liền xuất siêu, Việt Nam sẽ nhập siêu trở lại.

Lý giải về dự báo này, ông Đỗ Thắng Hải cho hay, thành tích xuất siêu thời gian qua phần lớn nhờ vào doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp FDI cũng giảm xuất khẩu do công suất đã tới hạn và lợi nhuận của họ đã ở mức bão hòa với công suất thiết kế. Cụ thể, năm 2012, tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI là 31% thì năm 2013, con số này chỉ còn 22%. 11 tháng năm 2014, tăng trưởng giảm xuống còn hơn 15%. “Mức độ giảm nhanh và liên tiếp cho thấy năng lực sản xuất của doanh nghiệp đã dần đạt đỉnh” - Thứ trưởng Bộ Công Thương nói. 

Hơn nữa, những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao trong thời gian qua của các doanh nghiệp FDI như điện thoại và linh kiện điện tử dự báo sẽ không tăng cao trong năm tới. Trên thực tế, từ năm 2012 đến nay, tăng trưởng xuất khẩu của mặt hàng này đã giảm dần từ 120% năm 2012 (so với năm 2011) xuống chỉ còn 43% năm 2013 (so với năm 2012)... 

Sẽ nhập khẩu than, máy móc

Trong khi xuất khẩu của nhiều mặt hàng được dự báo là đã tới hạn thì nhu cầu nhập khẩu của một số ngành sản xuất lại tăng cao. Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, các doanh nghiệp Việt Nam đang có nhu cầu nhập khẩu nhiều máy móc, công nghệ từ các nước ngoài Trung Quốc sau sự kiện nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển của Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua. Máy móc xuất xứ từ EU, Mỹ, Nhật Bản hoặc Ấn Độ được đánh giá là có chất lượng tốt hơn nhưng giá cao hơn hàng Trung Quốc. Do vậy, nhập siêu sẽ gia tăng. 

Bên cạnh đó, từ năm 2015, Việt Nam sẽ tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Hàn Quốc… và tham gia đầy đủ vào các liên minh kinh tế như: WTO, Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC), Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với hàng loạt chính sách ưu đãi, doanh nghiệp nước ngoài sẽ tăng đầu tư vào Việt Nam. Kéo theo đó, nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị sản xuất cũng tăng lên. Năm 2015, nước ta cũng phải nhập khẩu than để phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác khiến cán cân thương mại của Việt Nam không giữ được thặng dư như 3 năm qua. 

Theo các chuyên gia kinh tế, để tăng giá trị cho hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh chế biến, giữ chất lượng cao và ổn định cũng như tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, phải giảm dần tình trạng xuất khẩu nguyên liệu thô giá trị thấp và để mất thương hiệu.