Doanh nghiệp thủy sản lo gãy đổ chuỗi sản xuất, xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện nay đã có tới trên 50% nhà máy chế biến cá tra tại ĐBSCL và nhà máy chế biến thủy sản ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ đóng cửa. 100% doanh nghiệp theo khảo sát của VASEP cho rằng, “3 tại chỗ” chỉ là phương án cầm cự, tạm thời.
Doanh nghiệp ngành thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn trong đại dịch

Doanh nghiệp ngành thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn trong đại dịch

Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu là 3 địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng và sản xuất tôm. Tuy nhiên, hiện cả 3 tỉnh này đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng dịch Covid-19 nên không chỉ lưu thông hàng hóa, mua bán con giống, thu hoạch tôm gặp khó khăn, mà các nhà máy cũng đã phải giảm công suất chế biến 60-70%.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt công nhân, chi phí tăng cao cũng ngày càng trầm trọng.

Một doanh nghiệp chế biến tôm cho biết: “Ngành tôm Việt Nam đã trễ nhịp so với cơ hội thị trường nhưng nếu các địa phương mau chóng có giải pháp kiểm soát dịch bệnh vào cuối tháng 8 để phục hồi sản xuất thì vẫn còn cơ hội, giá tôm tăng trở lại. Muộn hơn thời điểm này thì coi như cơ hội năm nay trôi qua.

Từ tháng 9 trở đi là thời điểm các nhà máy bước vào cao điểm thu mua nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu nhưng với tình hình hiện tại thì chắc chắn nguồn cung tôm sẽ bị đảo lộn, thiếu hụt cho tới cuối năm, thậm chí kéo dài sang năm 2022”.

Còn với các doanh nghiệp chế biến cá tra tại ĐBSCL, từ cuối tháng 7-2021, khi dịch bệnh lan mạnh thì các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng. Có tới 50% doanh nghiệp tại một số địa phương vùng trọng điểm phải đóng cửa. Cá tra nuôi tại ao của công ty vượt size do các nhà máy ngừng hoạt động hoặc giảm tối đa công suất.

Một số doanh nghiệp nuôi cá tra thời gian nuôi bị kéo dài, mật độ lớn khiến cá chết hàng chục tấn mỗi ngày. Hiện nay, ước tính, công suất hoạt động của toàn ngành cá tra chỉ từ 10 - 20%.

Trong khi đó, phương án sản xuất “3 tại chỗ” tại các tỉnh phía Nam vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Nguyên nhân là bởi công nhân đi lại gặp nhiều khó khăn, lao động từ “vùng xanh” không tới được “vùng đỏ” nên thiếu lao động. Bên cạnh đó, chi phí thực hiện “3 tại chỗ” ngày càng cao.

Đơn cử như tại Hậu Giang, một số nhà máy thời gian đầu cố gắng thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì việc làm cho người lao động, trả hợp đồng các đơn hàng đã ký. Nhưng sau dó, các nhà máy này cũng buộc phải ngưng hoạt động sau 1 tháng do phát sinh chi phí quá lớn như: tiền thuê khách sạn, nhà ở, lương, tiền ăn, chăm sóc y tế, thuê cán bộ y tế xét nghiệm...

Một số doanh nghiệp khác tại ĐBSCL ngưng hoạt động thì chuyển hàng từ kho trữ để trả dần đơn hàng cho khách song tới nay, hầu hết các doanh nghiệp chế biến đều đã cạn cả nguyên liệu và thành phẩm trong kho nên đã dừng hoàn toàn.

Ngoài ra, tại các địa phương ven biển như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, doanh nghiệp đã giảm tối đa công suất chế biến, hoạt động cầm chừng. Nhiều doanh nghiệp cân nhắc tới phương án sẽ ngưng hoạt động hoàn toàn nếu trước 15-9, tình hình dịch bệnh ở các địa phương chưa được ngăn chặn và các biện pháp giãn cách xã hội còn tiếp tục kéo dài.

Theo VASEP, hiện tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 (mũi 1) của các doanh nghiệp trong hiệp hội trung bình là 40-50%. Trong đó, Cà Mau là địa phương có tỷ lệ tiêm nhanh và cao nhất.

“Trước tình hình trên, nếu không có các biện pháp khôi phục khẩn cấp thì nguy cơ đổ vỡ toàn chuỗi sản xuất từ nuôi trồng - khai thác - chế biến - kinh doanh - xuất nhập khẩu đang hiện tiền trước mắt”- VASEP nhấn mạnh.