Doanh nghiệp dược giành nhau thị trường thuốc... rẻ

ANTĐ - Thuốc sản xuất trong nước của Việt Nam đã đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu dùng của người dân song hầu hết chỉ là thuốc thông thường, đơn giản. Hơn nữa, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu đến 90% nguyên liệu, dược liệu sản xuất thuốc.

Doanh nghiệp dược giành nhau thị trường thuốc... rẻ ảnh 1Ngành sản xuất thuốc Việt Nam chưa phát huy được tiềm năng của dược liệu và thuốc từ dược liệu Việt Nam (Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất viên nang mềm tại Công ty CP Dược phẩm Hà Tây) Ảnh: PHÚ KHÁNH

Chỉ sản xuất được các thuốc đơn giản

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, tính đến tháng 11-2014, đã có 133 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc, khoảng 10.000 nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP, hệ thống bán lẻ thuốc đạt trên 39.000 điểm… góp phần đảm bảo cung ứng thường xuyên thuốc phòng, chữa bệnh cho người dân. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia sản xuất được 10/12 loại vaccine để sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng đánh giá, công nghiệp dược Việt Nam là ngành công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc generic, đa phần có dạng bào chế đơn giản, chi phí cho nghiên cứu và phát triển thấp, cơ cấu sản phẩm trùng lắp, tự phát, thiếu định hướng vĩ mô, có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Ngành chưa phát huy được tiềm năng của dược liệu và thuốc từ dược liệu Việt Nam. Tình trạng dược liệu không kiểm soát được nguồn gốc, tỷ lệ dược liệu kém chất lượng còn cao. Sự kết hợp giữa quy hoạch vùng nuôi trồng, khai thác dược liệu với sản xuất thuốc còn lỏng lẻo.

TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cho biết, đến nay, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được 50% nhu cầu của nhân dân song vẫn còn lệ thuộc lớn vào nhập khẩu, viện trợ. Đặc biệt, việc phải nhập khẩu nguyên liệu với tỷ lệ lên đến gần 90% là khó khăn lớn nhất mà ngành dược đang phải đối mặt. Hơn nữa, thuốc sản xuất trong nước chủ yếu có giá trị thấp, trong khi phần lớn thuốc chuyên khoa đặc trị ở dạng bào chế phức tạp, thuốc mới chưa được đầu tư. 

Cạnh tranh thiếu định hướng

Vì không đầu tư nhiều vào sản xuất các loại thuốc mới, thuốc đặc trị, trong khi định hướng sản xuất và thị phần như nhau nên các doanh nghiệp dược trong nước phải cạnh tranh gay gắt với nhau. Cùng một loại thuốc, cùng một hoạt chất nhưng có rất nhiều doanh nghiệp cùng sản xuất, dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ. 

Theo thống kê, tính đến tháng 6-2014, thuốc ngoại nhập có 11.000 số đăng ký, tương đương gần 1.000 hoạt chất, trong khi thuốc nội có 12.000 số đăng ký nhưng lại chỉ có 520 hoạt chất. Trung bình, cứ 1 hoạt chất có 23 số đăng ký. Rất nhiều hoạt chất có trên 100 số đăng ký, như paracetamol có đến 783 số, clorpheniramin có đến 280 số hay cefixim có 191 số… “Nếu cứ tiếp tục cạnh tranh không định hướng, chia nhỏ thị phần như hiện nay thì doanh nghiệp sẽ không đủ chi phí để đầu tư vào nghiên cứu phát triển. Nếu vì cạnh tranh, doanh nghiệp giảm chất lượng để giảm giá thì càng nguy hiểm” – TS Trương Quốc Cường phân tích.

Cũng theo Cục Quản lý dược Việt Nam, Hiệp hội các doanh nghiệp dược trong nước cần họp bàn giải pháp tháo gỡ vấn đề này. Theo đó, nên phân chia mỗi loại thuốc chỉ một số doanh nghiệp có thế mạnh sản xuất để hạn chế tối đa sự trùng lắp, chia nhỏ thị trường, giảm lợi nhuận. Thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ công bố rõ ràng các định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp dược và các định hướng ưu đãi đầu tư. Đồng thời, sẽ xây dựng 5 trung tâm phân phối thuốc tại khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ - Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ để tạo thuận lợi cho hệ thống phân phối dược. 

Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đề ra mục tiêu: đến năm 2020, 100% thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; phấn đấu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước. Vaccine sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu cho tiêm chủng dịch vụ…