Doanh nghiệp "chậm lớn" vì giấy phép "con"

ANTĐ - “Càng nhiều điều kiện, doanh nghiệp càng nhỏ lại”. Đó là nhận định của ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). Theo thống kê mới nhất, hiện còn khoảng 3.000 điều kiện kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền đang “hành” người dân, doanh nghiệp.

Nhất thiết phải có Nghị định để quản lý riêng mặt hàng mũ bảo hiểm?

“Nhầm lẫn” về kinh doanh có điều kiện?

Tại hội thảo: “Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị” diễn ra ngày 14-6, ông Ngô Việt Hòa - đại diện General Motor nêu đề xuất: “Nhượng quyền thương mại là một phương thức kinh doanh, chứ không phải là ngành nghề kinh doanh. Do đó, không thể liệt vào dạng ngành nghề kinh doanh có điều kiện”.

Mặt khác, theo Luật Đầu tư sửa đổi, ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải là ngành nghề ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng, sức khỏe, xã hội… Nhượng quyền thương mại không ảnh hưởng tới các lĩnh vực này, cũng chưa từng có trường hợp nhượng quyền nào lừa đảo, ảnh hưởng tới xã hội nên cần bỏ phương thức kinh doanh này ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. 

Trong lĩnh vực an toàn thông tin, ông Nguyễn Minh Đức - đại diện nhóm khởi nghiệp của FPT cho rằng, an toàn thông tin liên quan nhiều đến kỹ thuật hơn là kinh doanh. Vì vậy, không nên coi đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. “Quy định điều kiện kinh doanh như hiện nay cản trở các doanh nghiệp trong lĩnh vực an toàn thông tin, thậm chí không có doanh nghiệp nào đáp ứng nổi các điều kiện đó. Quy định đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải có cán bộ chuyên ngành về an toàn thông tin nhưng hiện chưa có sinh viên chuyên ngành này tốt nghiệp. Doanh nghiệp khởi nghiệp biết phải làm sao?”, ông Nguyễn Minh Đức đặt câu hỏi. 

Loại bỏ các điều kiện bất hợp lý

Ông Nguyễn Tiến Vỵ - đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho hay, từ cuối năm 2004, Hiệp hội đã kiến nghị đưa bia ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện, vì bia là đồ uống thông thường. Theo Nghị định 59/2006/NĐ-CP và Nghị định 43/2009/NĐ-CP của Chính phủ, sản xuất bia là ngành sản xuất không có điều kiện và bia là loại hàng hóa kinh doanh không có điều kiện. Tuy nhiên, theo văn bản quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương, bia lại nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có giấy phép!

Luật Đầu tư sửa đổi năm 2014 quy định 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện có hiệu lực từ ngày 1-7 tới đây. Theo đó, hàng loạt điều kiện kinh doanh đang quy định tại các thông tư cấp bộ hay chưa được quy định cụ thể sẽ được quy định tại các nghị định mới, dự kiến sẽ được Chính phủ thông qua trong thời gian tới. Điều  này sẽ tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Trần Hữu Huỳnh cho rằng: “Việt Nam là quốc gia có nhiều điều kiện kinh doanh, mà càng nhiều điều kiện, doanh nghiệp càng nhỏ lại. Điều tra quy mô doanh nghiệp 10 năm qua đã cho thấy điều đó”.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện vẫn có khoảng 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng đối với 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Trong số này, có gần 3.000 điều kiện quy định tại các văn bản không đúng thẩm quyền. Vì thế, việc rà soát, sắp xếp, loại bỏ  các điều kiện kinh doanh bất hợp lý là một việc không hề dễ dàng. “Nếu ngành nghề nào không nhất thiết phải có điều kiện kinh doanh thì có thể loại bỏ. Các bộ, ngành dường như đang thực hiện các hoạt động này một cách cơ học, đó là nâng các quy định từ cấp thông tư lên thành nghị định mà chưa đánh giá về tính hợp lý và hiệu quả của các quy định về điều kiện kinh doanh”- ông Vũ Tiến Lộc nói.

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho hay, hiện có 50 nghị định về điều kiện kinh doanh được nâng cấp lên từ các thông tư, có tác động trực tiếp tới doanh nghiệp. Ví dụ như dự thảo Nghị định việc kinh doanh mũ bảo hiểm, ông Đậu Anh Tuấn băn khoăn: “Liệu chỉ một sản phẩm mũ bảo hiểm có cần một nghị định quy định riêng?”. Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, hiện nay, hoạt động rà soát, ban hành các nghị định về điều kiện kinh doanh thực hiện khá chậm và tính hiệu quả, minh bạch còn nhiều vấn đề, bởi cộng đồng doanh nghiệp ít có cơ hội tham gia vào hoạt động xây dựng các văn bản này.