Đổ mồ hôi để người trồng dưa vơi nước mắt

ANTĐ - Trong một lần du lịch tới Quảng Nam, cảm thông với nỗi khổ của nông dân mỗi mùa nước lũ ập đến, hoa màu, nhà cửa bị cuốn trôi, anh Đặng Như Quỳnh đã tự bỏ tiền thu gom 185 tấn dưa hấu chở về Hà Nội tiêu thụ giúp nông dân.

Đổ mồ hôi để người trồng dưa vơi nước mắt ảnh 1Anh Đặng Như Quỳnh cùng mọi người dỡ dưa từ xe xuống

Từ những chuyến đi…

Dưa hấu của bà con tỉnh Quảng Nam bị lũ bất thường ập đến, nhấn chìm hàng trăm hecta. Thêm vào đó, dưa hấu khắp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… vận chuyển lên cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn xuất đi Trung Quốc bị ách tắc nhiều ngày nay. Lợi dụng cơ hội, tư thương đã ép giá, mỗi kilogam dưa hấu bà con Quảng Nam chỉ bán được 500-600 đồng. Nông dân khóc ròng vì trắng tay khi mà tiền đầu tư giống, phân bón… là tiền vay ngân hàng. Trước tình hình đó, nhiều nhóm tình nguyện đã về tận Quảng Nam, Quảng Ngãi thu mua trực tiếp dưa hấu của bà con và vận chuyển đi khắp nơi để bán. 

Hàng chục tấn dưa hấu đã được các nhóm tình nguyện vận chuyển ra Hà Nội và bán tại nhiều địa điểm như: Tòa nhà N07B3 Khu đô thị mới Dịch Vọng - Cầu Giấy; 114 Nguyễn Khuyến - Đống Đa; 109 Trần Duy Hưng - Cầu Giấy, 342B Bà Triệu… Hàng loạt các fanpage bán dưa giúp đỡ người dân Quảng Nam cũng đã được lập, với hàng nghìn lượt like và thu hút sự quan tâm của hàng triệu người. Trong các nhóm tình nguyện mua, bán dưa hấu ủng hộ bà con miền Trung phải kể đến nhóm “Áo ấm biên cương” do anh Đặng Như Quỳnh làm Trưởng nhóm. Anh Quỳnh đã bỏ tiền túi ra thu mua 185 tấn dưa của bà con ở Quảng Nam rồi vận chuyển ra Hà Nội để bán ủng hộ. Dự tính số dưa này sẽ được vận chuyển ra Hà Nội liên tục trong vòng 10 ngày, mỗi ngày trung bình gần 20 tấn. Nói đến cơ duyên với công việc thiện nguyện này, anh Quỳnh chia sẻ: “Trong một lần đi du lịch tới Quảng Nam vào đúng dịp mưa lũ, chứng kiến những em bé vớt dưa trên ruộng cùng bố mẹ, có em bé còn bị cuốn theo dòng nước, rất đáng thương. Hơn nữa, bà con còn bị thương lái ép giá quá đáng, mua với giá rất thấp mà họ chỉ chọn mua những quả ngon. Cảm thông với người dân ở đó, tôi đã nghĩ ra ý tưởng thu mua dưa đem về Hà Nội kêu gọi mọi người mua ủng hộ”.

Đổ mồ hôi để người trồng dưa vơi nước mắt ảnh 2Nhiều bạn trẻ sôi nổi tham gia bán dưa giúp nông dân miền Trung

...đến sự sẻ chia tương thân tương ái

 Dưa hấu được anh Quỳnh cùng các bạn trong nhóm tình nguyện mua tận ruộng với giá 3.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với giá mà bà con đang bị thương lái ép. Cộng phí vận chuyển, ra đến Hà Nội, anh Quỳnh bán lại với giá 5.000 đồng/kg. Mặc dù khá bận rộn với công việc phân phối dưa đi các điểm tiêu thụ, nhưng anh Quỳnh vẫn rất vui vì tinh thần tương thân tương ái của người dân. Ngày nào cũng vậy, sau khi phân phối dưa ở đầu Hà Nội xong, anh Quỳnh lại cùng 2-3 người về tận Quảng Nam để giám sát việc thu gom dưa, rồi lại theo xe ra Hà Nội. Anh Quỳnh cho biết, công việc thiện nguyện vui và có ý nghĩa, nhưng cũng không ít khó khăn: “Khó khăn lớn nhất là việc vận chuyển dưa từ ruộng ra đến đường chính. Xe chở dưa toàn xe tải to, không thể vào tận ruộng nên phải vận chuyển dưa ra với quãng đường gần 2km. Lực lượng tình nguyện trong đó rất mỏng, số lượng dưa cần vận chuyển lại lớn nên công việc khá vất vả”. 

Tôi thắc mắc, tại sao anh lại có quyết định khá liều lĩnh như vậy? Vì 185 tấn dưa thu gom với giá 3.000 đồng/kg là số tiền không nhỏ, nếu không tiêu thụ được thì thiệt hại tương đối lớn. Anh Quỳnh chỉ cười và cho hay, việc làm xuất phát từ tâm, không có sự tính toán được hay mất. “Nếu chẳng may mất đi số tiền ấy thì tôi cũng vui vẻ đón nhận, bởi làm thiện nguyện thì đâu có ai mong hồi đáp”.

Tại điểm tập kết dưa ở số 11 Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, rất nhiều tình nguyện viên thường xuyên có mặt để hỗ trợ việc dỡ dưa từ xe tải xuống và giao đi các điểm phân phối. Mỗi ngày điểm phân phối này bán khoảng 20 tấn dưa nhưng cũng chỉ trong vài giờ đồng hồ là hết hàng. Chị Dương Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch hội tình nguyện “Cơm có thịt” chia sẻ: “Mong muốn góp một phần nào đó để giảm bớt khó khăn cho bà con nông dân Quảng Nam, nên hội đã giúp phân phối dưa đến các địa điểm bán khác và tiếp nhận đơn hàng của những người cần mua”. Bạn Phạm Thị Thu, sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: “Em biết chương trình này thông qua một người bạn, sau khi tìm hiểu em đã tham gia ngay. Công việc tuy có hơi vất vả nhưng em rất vui, vì đã góp một phần nào đó để giúp bà con Quảng Nam vượt qua khó khăn”.