Điều trị sốt xuất huyết bằng châm cứu phải đúng thời điểm và đúng kỹ thuật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ đầu năm đến nay, nước ta đã ghi nhận hơn 100 nghìn ca sốt xuất huyết, trong đó đã có 38 trường hợp tử vong. Trước tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều bệnh viện, phòng khám Đông y đã áp dụng phương pháp châm cứu, các bài thuốc y học cổ truyền trong chữa bệnh sốt xuất huyết nhằm tăng khả năng điều trị của hệ thống y tế. Nhưng để điều trị hiệu quả, an toàn người bệnh cần được áp dụng kỹ thuật châm cứu đúng thời điểm và đúng kỹ thuật. Giáo sư Trương Việt Bình - Phó Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã trao đổi về vấn đề này.

- Phóng viên: Thưa Giáo sư, châm cứu thường điều trị các bệnh về xương, khớp và thần kinh... Còn việc điều trị sốt xuất huyết vẫn còn khá xa lạ với nhiều người. Vậy hiệu quả của phương pháp này là như thế nào?

- Giáo sư Trương Việt Bình - Phó Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam: Châm cứu là phương pháp tác động lên huyệt của cơ thể bằng kim châm để gây kích thích đạt tới sự phản ứng của cơ thể, điều hòa âm dương trong cơ thể nhằm mục đích điều trị bệnh. Với 135 quốc gia áp dụng trị liệu này, nước ta đứng thứ 2 trong 5 nước đạt được thành tựu cao nhất ở lĩnh vực châm cứu. Phương pháp điều trị này với các bệnh xương, khớp, thần kinh... đã được chứng minh rất hiệu quả. Nói như vậy không có nghĩa là châm cứu không thể điều trị cho sốt xuất huyết và nhiều bệnh khác. Từ năm 1985, tôi đã nghiên cứu điều trị sốt xuất huyết bằng châm cứu. Tôi khẳng định, châm cứu có thể điều trị loại dịch bệnh đang bùng phát mạnh này hoặc có tác dụng rất lớn trong việc hỗ trợ bệnh nhân mắc sốt xuất huyết hồi phục.

Châm cứu là phương pháp điều trị sốt xuất huyết hiệu quả và nên phát triển để áp dụng cho nhiều người

Châm cứu là phương pháp điều trị sốt xuất huyết hiệu quả và nên phát triển để áp dụng cho nhiều người

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, năng lực điều trị của hệ thống y tế bị hạn chế, chúng ta phải áp dụng tổng hòa cả y học cổ truyền và y học hiện đại trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Đây cũng là định hướng phát triển của ngành y tế. Đặc biệt, châm cứu là một trong những phương pháp điều trị bệnh bằng y học cổ truyền ít tốn kém, không đòi hỏi trang thiết bị, thuốc thang đắt tiền nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao. Bản thân tôi cũng như rất nhiều thầy thuốc Đông y khác đã điều trị cho nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết thành công. Có thể nói, châm cứu là phương pháp điều trị sốt xuất huyết hiệu quả và nên phát triển để áp dụng cho nhiều người.

- Sử dụng đúng phương pháp nhưng cũng phải đúng thời điểm. Đối với bệnh nhân sốt xuất huyết, chúng ta áp dụng kỹ thuật châm cứu trong thời điểm nào để mang lại hiệu quả điều trị cao, thưa Giáo sư?

- Bệnh nào cũng vậy, khi chúng ta điều trị càng sớm thì hiệu quả càng cao, quá trì hồi phục càng nhanh. Đối với sốt xuất huyết cũng vậy, người bị bệnh này thường có biểu hiện ban đầu là mệt mỏi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân)... biểu hiện đặc trưng là sốt kéo dài. Nếu là sốt do các vấn đề khác thì sẽ dễ hạ sốt, còn với sốt xuất huyết thì sẽ sốt cao hơn và kéo dài nhiều giờ, rất khó hạ sốt. Vì vậy, khi chúng ta thấy hơi ngây ngây người và bắt đầu sốt thì có thể điều trị luôn bằng châm cứu kết hợp với thuốc nam.

Với châm cứu, ban đầu dùng kim châm vào huyệt Hợp cốc (điểm nối giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ, hơi lệch về phía tay ngón trỏ), huyệt Húc trì (huyệt nằm trong góc hõm được tạo nên bởi các khối cơ vùng cổ gáy), huyệt Bách hội (nằm ngay ở đỉnh đầu, là điểm lõm chính giữa đỉnh đầu), huyệt Tứ thần thông (tập hợp 4 huyệt nằm ở vị trí đỉnh đầu, xung quanh huyệt Bách hội). Những cái huyệt này nó có tác dụng rất tốt trong điều trị sốt xuất huyết.

- Như Giáo sư vừa nêu, châm cứu thường áp dụng với bệnh nhân mới bắt đầu sốt, tức là khi bệnh nhân sốt chưa cao. Còn khi đã sốt cao rồi thì sao?

- Người mắc sốt xuất huyết đã sốt rất cao thường là đã ở giai đoạn muộn rồi, lúc đó sẽ có những biểu hiện đáng lo ngại khác như người vật vã, mắt đỏ… Lúc này nguy cơ bị xuất huyết tiêu hóa rất cao. Đối với Đông y, khi tiếp nhận những trường hợp như vậy cần sử dụng ngay các bài thuốc nam trước. Thầy thuốc sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh cụ thể để kê đơn cho hợp lý. Tôi có thể gợi ý một số cây thuốc như kim ngân, lá tre, cỏ nhọ nồi... để sử dụng cho bệnh nhân. Những vị thuốc này rất phổ biến, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất hiệu quả.

Đồng thời đó cũng là những vị thuốc chữa sốt xuất huyết rất tốt. Chú ý là vị thuốc chính là lá tre. Tùy theo tuổi chúng ta có thể dùng 7 đến 9 ngọn tre và sắc trong nửa giờ, sau đó cho bệnh nhân uống để hạ sốt. Sau đó, mỗi ngày châm cứu một lần, châm theo phương pháp tả, tức là châm nông. Còn nếu vùng thái dương đau nhiều, chúng ta có thể châm ở thái dương - ấn đường khoảng 15 phút/ngày thì hiệu quả rất là tốt. Cứ duy trì như vậy thì đến ngày thứ 3 là sức khỏe hồi phục nhanh.

- Như vậy, sử dụng phương pháp châm cứu đúng cách, đúng thời điểm và kết với thuốc nam sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao. Nhưng nếu áp dụng sai thì có thể gây ra biến chứng gì, thưa Giáo sư?

- Châm cứu chữa được sốt xuất huyết và khi sử dụng theo nguyên tắc tôi vừa nhấn mạnh thì sẽ không gây ra biến chứng. Bao nhiêu năm tôi làm nghề, thực hiện phương pháp này đối với bệnh nhân sốt xuất huyết thì chưa ghi nhận trường hợp nào biến chứng. Có những người bệnh chưa khỏi hoặc nặng hơn sau điều trị có thể là do chưa sử dụng đúng bài thuốc, châm cứu chưa đúng huyệt, hoặc cách châm chưa tốt. Dù là châm cứu hay là phương pháp chữa bệnh khác đều phải tuân thủ theo nguyên tắc.

Đặc biệt, hiệu quả của châm cứu phụ thuộc rất lớn vào tay nghề thầy thuốc. Bản thân tôi là thầy thuốc và cũng là thầy giáo thì thấy rằng, hầu như thầy thuốc nào cũng có thể châm cứu nhưng để làm tốt, hiệu quả thì rất hiếm. Hiện nay có rất nhiều bài quảng cáo trên mạng về phương pháp châm cứu để chữa sốt xuất huyết và các bệnh khác. Nhưng liệu rằng những người thực hiện phương pháp đó có kỹ thuật tốt hay không thì phải xét ở nhiều yếu đó.

- Giáo sư có khuyến cáo gì đối với người bệnh sốt xuất huyết trong việc lựa chọn cơ sở châm cứu để điều trị bệnh hiệu quả và an toàn?

- Châm cứu thì phải đến những bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện có khoa y học cổ truyền hoặc đến phòng khám y học cổ truyền có những bác sỹ, thầy thuốc được phép châm cứu, chữa bệnh. Điều này rất quan trọng bởi nếu chúng ta chọn sai cơ sở, áp dụng việc châm cứu không đúng kỹ thuật thì nguy cơ biến chứng là hoàn toàn có thể xảy ra vì đây cũng là bệnh cấp tính, cần điều trị hiệu quả ngay từ ban đầu. Tôi cũng khuyến cáo tất cả các bác sỹ, y sỹ được hành nghề là chúng ta sử dụng phương pháp châm cứu và thuốc nam cho bệnh nhân sốt xuất huyết ngay từ ban đầu. Còn những bệnh nhân đã tụt huyết áp do virus đã mạnh thì chúng ta phải chuyển bệnh nhân đến bệnh viện để truyền dịch theo phác đồ, công thức phù hợp, thậm chí truyền tiểu cầu khi hạ tiểu cầu quá mức. Đấy là trường hợp xuất huyết đa phủ tạng, trường hợp nặng thì chúng ta phải truyền ở bệnh viện chứ không nên truyền dịch ở nhà hoặc phòng khám vì nó liên quan đến tính mạng bệnh nhân.

- Cảm ơn Giáo sư đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!