Điều hành không sát việc cung ứng điện

(ANTĐ) - 3 đoàn kiểm tra liên ngành về việc cung ứng điện trên toàn quốc, do Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương chủ trì vừa kết thúc đợt làm việc đầu tiên. Ông Phạm Mạnh Thắng - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đã trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô xung quanh kết quả chuyến đi này.

Các công ty điện lực:

Điều hành không sát việc cung ứng điện

(ANTĐ) - 3 đoàn kiểm tra liên ngành về việc cung ứng điện trên toàn quốc, do Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương chủ trì vừa kết thúc đợt làm việc đầu tiên. Ông Phạm Mạnh Thắng - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đã trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô xung quanh kết quả chuyến đi này.

- PV: Thưa ông, tại sao vẫn có chuyện cắt điện ở khu vực sản xuất, trong khi, đây là khu vực được ưu tiên?

- Ông Phạm Mạnh Thắng: Theo quy trình, do tình trạng thiếu hụt nguồn điện trên toàn hệ thống nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải phân bổ công suất điện cho từng công ty điện lực.

Tuy nhiên, đặc thù của từng công ty phân phối điện lại chưa được xem xét hết. Ví dụ, có công ty có tỷ lệ cấp điện cho sản xuất rất cao như Công ty điện lực Ninh Bình tỷ lệ điện sản xuất lên tới 77%, Công ty Điện lực Đồng Nai xấp xỉ 80% điện cho sản xuất.

Tỷ lệ thiếu hụt trên hệ thống lại lớn, có lúc lên tới 30-40%, tỷ lệ điện cho sản xuất cao thì rõ ràng, các công ty phải cắt giảm cả điện sản xuất chứ không chỉ điện sinh hoạt. Có nơi, các công ty cắt điện sinh hoạt hàng chục giờ đồng hồ mà vẫn không đủ, buộc phải cắt điện thêm khu vực sản xuất. Đó là một thực tế.

Nếu cắt điện khẩn cấp, ngành điện cần phải giải thích sớm

Nếu cắt điện khẩn cấp, ngành điện cần phải giải thích sớm

- PV: Vậy, ông lý giải ra sao về tình trạng cắt điện đột xuất, không báo trước?

- Ông Phạm Mạnh Thắng: Về việc này, có nguyên nhân là các công ty điện đã điều hành không sát. Mặc dù, chỉ được phân bổ một mức công suất nhất định nhưng xu hướng chung, họ không muốn cắt, làm giảm doanh thu. Họ thường muốn cung cấp nhiều điện cho khách hàng, đôi khi vượt quá mức công suất cho phép.

Ví dụ, công ty được phân bổ 1.000MW nhưng họ có thể cung cấp 1.100-1.200MW. Điều đó tốt cho khách hàng nhưng khi nhiều công ty điện làm vậy sẽ gây ra sự thiếu hụt điện trên hệ thống. Khi đó, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) phải can thiệp, cắt thẳng vào đường dây 110kV, dẫn đến mất điện ở những vùng rất lớn, bất kể vùng công nghiệp hay sinh hoạt.

Nếu hệ thống điện vẫn tiếp tục thiếu, tần số giảm xuống, có khả năng dẫn đến sự cố thì các rơ le duy trì tần số sẽ tự động ngắt. Đến lúc đó, xảy ra mất điện không biết bất kể lúc nào. Chính vì thế, các công ty điện lực cũng không thể trả lời được cho khách hàng chuyện cắt điện đột ngột, không báo trước.

- PV: Thưa ông, việc cắt điện đột ngột có vi phạm Luật Điện lực hay không?

- Ông Phạm Mạnh Thắng: Theo Luật Điện lực, trong trình trạng bình thường, cắt điện phải có thông báo trước một số ngày.

Chúng tôi kiểm tra thấy rằng, với lượng cắt điện theo phân bổ, các công ty đã thực hiện nghiêm túc, có đơn vị còn gọi điện trực tiếp cho khách hàng để thông báo.

Còn trong trường hợp cần cắt điện khẩn cấp thì luật cho phép cắt điện không báo trước, nhưng sau đó, đơn vị điện lực phải có thông báo giải thích rõ ràng cho khách hàng.

Về việc này, các công ty điện làm chưa tốt. Có một số công ty đã giải thích trên truyền hình, đài phát thanh, báo chí nhưng thực tế, có phải ai cũng đọc báo đâu.

Hoặc, đúng lúc đó, mất điện thì người dân làm sao nghe đài, xem truyền hình được. Do đó, người dân bức xúc. Đó là trách nhiệm của các công ty điện lực. Các công ty phải tự nghĩ cách làm sao để khắc phục điểm này.

- PV: Sau chuyến kiểm tra, Tổ liên ngành có kiến nghị như thế nào?

- Ông Phạm Mạnh Thắng: Chúng tôi đang hoàn thiện báo cáo để trình Bộ Công Thương. Chắc chắn, sẽ phải chấn chỉnh ngay một số hoạt động trong cung ứng điện. Chúng tôi sẽ chỉ rõ trách nhiệm của các đơn vị tham gia cung ứng điện trong thời gian qua đến mức độ nào.

- PV: EVN cho biết từ ngày 25-7 trở đi, tình trạng cắt điện sẽ giảm. Thực tế cụ thể ra sao, thưa ông?

- Ông Phạm Mạnh Thắng: Từ khoảng 23-7, Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 1 đã được khắc phục sự cố xong và vào hệ thống. Nhà máy điện Cà Mau 1 đã chạy đầy tải từ ngày 24-7.  Nhà máy điện Cà Mau 2 bắt đầu đi vào thí nghiệm.

Chúng tôi đã yêu cầu cả EVN và PV phải thí nghiệm tối đa tua bin khí này vào ban ngày để có thêm công suất điện phát trên hệ thống mặc dù công suất phát không đầy, có thể là 200-500MW. Đây là hình thức hỗ trợ tốt trong bối cảnh hệ thống điện đang thiếu công suất vào cao điểm sáng, phải cắt điện vào ban ngày nhiều.

Nhưng 2-3 nguồn điện đó vận hành theo lịch thí nghiệm chứ không phải theo lịch điều độ, không chắc chắn và ổn định. EVN sẽ phải có dự phòng, dù đó là điều rất khó hiện nay.

Phạm Huyền (Thực hiện)