Diễn đàn người lao động là cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ coi diễn đàn Người lao động 2023 là một cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt, để được lắng nghe nhiều ý kiến của công nhân, viên chức, lao động.
Diễn đàn Người lao động năm 2023 có sự tham dự của 550 đại biểu
Diễn đàn Người lao động năm 2023 có sự tham dự của 550 đại biểu

Chiều 28/7, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức diễn đàn Người lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn”.

Với sự tham dự của 550 đại biểu, diễn đàn được tổ chức nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức diễn đàn, coi đây là một cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt, một diễn đàn mà Quốc hội và đại biểu Quốc hội được lắng nghe nhiều ý kiến của công nhân, viên chức, lao động - những người trực tiếp lao động sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển nước nhà.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất thực hiện chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Mọi quyết sách của Quốc hội đều lấy người dân và doanh nghiệp đặt ở vị trí trung tâm.

Công nhân và người lao động vừa là công dân, vừa là chủ thể rất quan trọng cho quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Vì vậy, có thể nói công nhân, viên chức và người lao động là đối tượng điều chỉnh của hầu hết các luật trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, diễn đàn là dịp để Quốc hội tiếp tục lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của các đoàn viên công đoàn, người lao động để từ đó có thêm cơ sở nghiên cứu, đưa ra Quốc hội bàn thảo, hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng như tổ chức giám sát có hiệu quả việc thực thi chính sách pháp luật, giải quyết các vấn đề bức xúc của người lao động.

Trước đó, để chuẩn bị cho diễn đàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến của người lao động về những nội dung liên quan.

Theo thống kê, sau 2 tuần triển khai lấy ý kiến đoàn viên, người lao động cả nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ghi nhận có 1.589 kiến nghị của đoàn viên, người lao động được tổng hợp từ báo cáo của 79/82 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc; hơn 3.000 ý kiến từ các cơ quan báo chí và các nền tảng mạng xã hội của các cấp công đoàn.

Các ý kiến nghị tập trung vào vấn đề phát triển kinh tế - xã hội; việc làm, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần; vấn đề học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, cơ hội phát triển; các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, vấn đề nhà ở, nơi vui chơi giải trí, nơi học hành của con người lao động...