Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Quyết sách kịp thời để không “lỡ nhịp”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sáng 5-12, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững” đã chính thức khai mạc với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Quyết sách kịp thời để không “lỡ nhịp”  ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với các đại biểu

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, ngoài điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế, diễn đàn kết nối trực tuyến tới 57 điểm cầu ở các địa phương, 3 điểm cầu quốc tế (Mỹ, Pháp, Thái Lan) và kết nối trực tuyến tới một số chuyên gia…

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cả về kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và duy trì được tăng trưởng kinh tế với tốc độ 2,91%, là một trong số những quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương cao nhất thế giới.

Năm 2021, với nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ kép, phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế nên 6 tháng đầu năm, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 5,96%. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lần thứ tư với chủng mới Delta đã gây thiệt hại nặng nề cho cả kinh tế và các lĩnh vực xã hội, quý III tăng trưởng kinh tế âm 6,7% nên 9 tháng năm 2021, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1,42% và dự kiến cả năm vẫn đạt tăng trưởng dương nhưng không đạt được mục tiêu mà Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của năm 2021 mà còn cho cả nhiệm kỳ 5 năm tới.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 là cơ hội để Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các đối tác phát triển của Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, nhân dân, cử tri và cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước hiến kế các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững; những chính sách cụ thể về huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực thuộc chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với quy mô, liều lượng hợp lý nhất cũng như sự phối hợp giữa các chính sách này để duy trì tăng cường các động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa đáp ứng mục tiêu dài hạn của phát triển bền vững hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.

Chủ tịch Quốc hội nhắc lại những nội dung trọng tâm của diễn đàn là cập nhật, đánh giá về bối cảnh, tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới, cập nhật những vấn đề mới nhất; những phân tích, đánh giá và dự báo xu hướng và tác động của dịch bệnh và trực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay cũng như xu hướng trong thời gian tới; kinh nghiệm quốc tế kể cả trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế cũng như gợi ý những hàm ý chính sách cho Việt Nam.

Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần làm rõ thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết các gói chính sách, giải pháp về tài chính, tiền tệ, vừa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch vừa hỗ trợ mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế, xã hội nhằm cụ thể hóa chủ trương đã được nêu tại Văn kiện Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, không chỉ góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của năm 2022 mà còn cho cả nhiệm kỳ 5 năm theo những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, theo những quan điểm, định hướng phát triển cụ thể và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Cho biết là diễn đàn mở, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội, các cơ quan hữu quan muốn lắng nghe ý kiến tâm huyết, cởi mở đến từ những người thực thi chính sách, tham gia hoạch định, quyết định, thực thi chính sách.

Tại diễn đàn, các diễn giả đã trao đổi, giải đáp câu hỏi sẽ huy động nguồn lực từ đâu, nhất là trong điều kiện thị trường vốn trung và dài hạn của Việt Nam còn đang hạn chế; phân bổ các nguồn lực vào các nội dung mục tiêu cụ thể nào trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam; giải đáp câu hỏi về năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế nhất là trong điều kiện còn những điểm nghẽn, vướng mắc nhất là trong khâu tổ chức thực hiện (ví dụ như trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giải ngân đầu tư công...); giải quyết những điểm nghẽn của nền kinh tế để tăng cường năng lực hấp thụ vốn; bảo đảm đúng mục đích cũng như yêu cầu công khai, minh bạch, phòng-chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm khi đề ra và tổ chức thực hiện các nhóm chính sách và các giải pháp này.