Đua nhau đi xin, đi vay
Đầu tiên phải nhắc đến đó chính là Công ty CP Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) - là đơn vị hiện đang sản xuất và phân phối các dòng xe du lịch và xe tải với tổng công suất đạt khoảng 60.000 xe/năm có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt cho các dòng xe chiến lược do đơn vị này sản xuất từ ngày 1-1-2014. Ngoài ra, Vinaxuki đề nghị được vay khoản vốn 250 tỉ đồng, với thời hạn tối thiểu 7 năm theo chương trình cơ khí trọng điểm quốc gia từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Cùng với đó, Vinaxuki xin được vay vốn dài hạn hoặc hoãn nộp thuế từ tháng 10-2013 với tổng trị giá tương đương 750 tỉ đồng để tập trung vốn vào đầu tư nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ, trang bị dây chuyền đúc nhôm thân vỏ động cơ và nhập khẩu thiết bị gia công vì lý do khó khăn.
Từ việc Công ty CP Ôtô Trường Hải được Chính phủ cho phép gia hạn nộp 1.200 tỉ đồng thuế, như một phản ứng dây chuyền dẫn đến việc hàng loạt doanh nghiệp ôtô cũng xin gia hạn thuế với rất nhiều lý do… chính đáng như “dồn sức” để vượt qua khó khăn, “tổng lực” để phát triển ngành công nghiệp ôtô nước nhà… Đó là Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) - doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, 1 trong 4 đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam; Công ty CP Ôtô TMT; Công ty CP Tập đoàn Thành Công; Công ty TNHH Ôtô Đông Phương, Công ty TNHH Hoàng Trà… đều có những kiến nghị xin Chính phủ gia hạn đóng thuế.
Thực tế, với những lý do thuận “cả tình lẫn lý” của các doanh nghiệp ôtô trong nước; cộng thêm tính pháp lý mà theo Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, người nộp thuế có quyền được gia hạn nộp thuế, tiền phạt còn nợ nếu không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp “khó khăn đặc biệt”. Thẩm quyền gia hạn do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Tài Chính. Nhưng theo các chuyên gia tài chính nhận định, với những trường hợp “khó khăn đặc biệt” - theo tình hình hiện nay đây là tình cảnh chung của thị trường ôtô trong nước khi kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, sản lượng sụt giảm, giảm mạnh về doanh số. Việc hầu hết đối tượng xin đều thuộc tốp “đại gia” xin giảm thuế khiến dư luận đặt câu hỏi có hay không việc “né” thuế bằng cách kéo dài thời gian để giải bài toán “xin - cho”(?)
Ngày 22-7-2013 vừa qua, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 83/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Theo đó, Nghị định quy định cụ thể các trường hợp được gia hạn nộp thuế, các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, trong đó một lần nữa “các trường hợp gặp khó khăn đặc biệt khác” vẫn được đề cập đến; như vậy chắc hẳn Bộ Tài chính sẽ còn phải tiếp tục tiếp nhận hàng loạt những lời đề nghị miễn - giảm - gia hạn của không ít những “đại gia” đối với nghĩa vụ với Nhà nước.
Tương lai xe sản xuất, lắp ráp nội và xe nhập
Nhìn vào thực tế, cho thấy sẽ có sự rút lui hàng loạt của các hãng xe nước ngoài vì không thể duy trì hoạt động sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Và dự kiến năm 2018 được lấy làm điểm mốc cho một kịch bản lớn trên thị trường ôtô. Có rút sẽ có vào - đó là sự đổ bộ của xe nhập khẩu nguyên chiếc. Từ lâu đã có nhiều dự báo về viễn cảnh tháo lui đồng loạt, nhưng dự báo vẫn chỉ là dự báo nếu nó chưa xảy ra thì chẳng mấy ai “giật mình”, để đến bây giờ ngành công nghiệp ôtô vẫn chẳng lấy gì làm cơ sở để đủ sức cạnh tranh.
Hơn 10 năm trước, thương hiệu “ông lớn” BMW đã ra đi, để đến năm 2007 lại quay trở lại thị trường Việt Nam qua kênh nhập khẩu chính thức. Sau đó, lần lượt những thương hiệu hàng đầu thế giới Audi, Porsche, Volswagen, Renaul, Land Rover, Rolls-Royce… tiếp tục “trình làng” tại Việt Nam qua con đường nhập khẩu với những thế mạnh không cần phải so sánh. Một viễn cảnh tươi sáng của xe nhập khẩu nguyên chiếc, thế chỗ cho những hãng xe sản xuất, lắp ráp mới tại Việt Nam. Sự hoán đổi vị trí này dường như đã được chuẩn bị cho một thị trường ôtô mới tại Việt Nam - đó là xe nhập khẩu.
Sân chơi nhỏ, niềm vui nhỏ
Quay trở lại thời điểm này, thị trường ôtô Việt Nam đang có những trồi sụt bất thường. Các doanh nghiệp, các hãng, các hiệp hội, các chuyên gia và đặc biệt là người tiêu dùng đam mê ôtô đang chờ đợi đến tháng 11-2013 khi Vietnam Motor Show 1013 diễn ra để ít nhiều đánh giá được rõ nét nhất diện mạo của thị trường, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam như thế nào. Sau 4 tháng liên tiếp tăng, tháng 7 vừa qua bất ngờ sụt giảm đã đi ngược lại hoàn toàn những dự báo về “sóng” thị trường lẫn tâm lý tiêu dùng của khách hàng. Đã có không ít dự báo rằng thị trường ôtô đang có dấu hiệu hồi phục, mà thực tế đã chứng minh bằng “cú bật mạnh” liên tiếp các tháng tiếp theo đã khiến các hãng xe nỗ lực mở rộng thị trường, bổ sung mẫu mã mới vào danh mục sản phẩm từ liên doanh trong nước đến các hãng xe nhập khẩu để tạo đà cho thị trường những tháng cuối năm 2013 thì… Hàng loạt những biện pháp ngăn chặn đã được triển khai, đặc biệt trong tháng 7 (âm lịch), các hãng xe đã giảm giá mạnh bằng các chương trình kích cầu.
Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) dự báo toàn thị trường ôtô năm 2013 sẽ tiêu thụ đạt khoảng 108.000 chiếc, cao hơn 8.000 xe so với dự báo đầu năm, nhưng điều đó còn tùy thuộc vào “cú nước rút” ở giai đoạn này. Thị trường ôtô trong nước đã có những dấu hiệu khởi sắc và do vậy cá hãng ôtô đang kỳ vọng tăng trưởng cao hơn ở những tháng cuối năm nay khi các thành phố lớn giảm thuế trước bạ đối với đăng ký xe mới. Thời điểm này, các hãng ôtô đã bắt đầu chuẩn bị cho giai đoạn sôi động cuối năm chính là sự kiện Triển lãm Ôtô Việt Nam năm 2013 - thời điểm thị trường mới thật sự bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt nhất bởi đây là thời điểm mà các hãng xe tham gia triển lãm chính thức giới thiệu các sản phẩm mới của mình và tung ra các chiêu bán hàng, khuyến mãi để kích cầu. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ tạo nên một cú hích lớn cho thị trường cùng với tâm lý người tiêu dùng thường mua xe nhiều vào dịp cuối năm… Thị trường sôi động trở lại, người tiêu dùng chịu chi, các hãng bán được xe, doanh số tăng lên - đó là những niềm vui nhỏ trên một sân chơi nhỏ khi khó khăn chung của nền kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là người tiêu dùng vẫn đang trong giai đoạn thắt chặt nguồn chi, nhất là để dành cho một tài sản lớn đắt tiền như ôtô.