Điểm trông giữ trẻ tư nhân: “Thả rông” đến bao giờ?

(ANTĐ) - Thời gian qua tại một số tỉnh, thành phố, tình trạng trẻ em bị ngược đãi, hành hạ trong một số nhà trẻ tư thục là đáng báo động. Gần đây nhất, sự việc một bé gái 3 tuổi ở Bình Dương bị người giữ trẻ hành hạ trong khi tắm đã khiến dư luận vô cùng bất bình…

Điểm trông giữ trẻ tư nhân: “Thả rông” đến bao giờ?

(ANTĐ) - Thời gian qua tại một số tỉnh, thành phố, tình trạng trẻ em bị ngược đãi, hành hạ trong một số nhà trẻ tư thục là đáng báo động. Gần đây nhất, sự việc một bé gái 3 tuổi ở Bình Dương bị người giữ trẻ hành hạ trong khi tắm đã khiến dư luận vô cùng bất bình…

Kiếm được trường mầm non đạt tiêu chuẩn như thế này là ước mơ của không ít người
Kiếm được trường mầm non đạt tiêu chuẩn như thế này là ước mơ của không ít người

Không vào “công” thì phải vào “tư”

Trong khi trường công lập thiếu quỹ đất để xây dựng thêm trường mới, nhiều gia đình không đủ điều kiện kinh tế gửi con vào trường tư thục có điều kiện cơ sở vật chất tốt đành phải “nhắm mắt” gửi con tới một số lớp tư thục “hạng yếu” hoặc cơ sở tư nhân tự phát không đạt tiêu chuẩn. Khảo sát thực tế tại một số quận trên địa bàn Hà Nội như: quận Hoàn Kiếm, quận Đống Đa, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân... chúng tôi nhận thấy khá nhiều lớp mầm non tư thục không đạt tiêu chuẩn.

Có mặt tại một lớp tư thục ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, chúng tôi nhận thấy trang thiết bị phục vụ việc học tập và vui chơi dành cho các cháu ở đây dường như quá tải vì đông bé sử dụng. Phòng học rộng chưa đầy 20m2, chỉ có vài bức tranh con vật sơ sài treo rải rác trên tường với gần 20 cháu đủ độ tuổi khác nhau. Phía sau phòng học, một căn phòng khác chỉ rộng khoảng 7m2 kê vài tấm giát giường - nơi cho các cháu ngủ. Bếp ăn được bố trí trên gác, thậm chí có nơi phòng ăn kiêm phòng học. Theo quy chuẩn về trường, lớp, sân chơi, chỗ ngủ và cả bếp ăn mà Bộ GD-ĐT đưa ra, rất nhiều lớp học hoàn toàn vi phạm quy chuẩn.

Chị Nguyễn Thu Hà, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm cho biết: “May mắn con được học trường mầm non công lập ngang với trúng số độc đắc. Năm vừa rồi để có được một xuất gửi con vào trường mầm non công lập gần nhà bố mẹ đẻ ở quận Đống Đa, tôi đã phải chạy đôn, chạy đáo tìm hiểu thông tin và làm công tác chuẩn bị trước cả năm trời mới có được may mắn đó. Tôi không hiểu, số trẻ còn lại, nếu không có lớp tư thục hoặc cơ sở trông trẻ kiểu gia đình, không biết sẽ gửi vào đâu. Dù biết chất lượng các trường này vẫn còn khá sơ sài nhưng nhiều gia đình cũng không còn sự lựa chọn nào khác...”.

Điều đáng nói, ngoài các trường mầm non tư thục có đủ tiêu chuẩn, các lớp mầm non tự phát hoặc nhiều cơ sở trông giữ trẻ gia đình đang rơi vào tình trạng khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên không có năng lực, không đủ kiến thức chăm sóc trẻ đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc về sức khoẻ và tính mạng của trẻ. Điển hình, trong thời gian vừa qua tại Hà Nội, có những vụ ngộ độc thực phẩm, tai nạn thương tích, bạo hành... đã xảy ra ở một số lớp mầm non tư thục không được cấp phép khiến nhiều gia đình không khỏi lo lắng khi gửi con tại những cơ sở kém chất lượng này. Nhiều lớp mầm non tư thục phải thuê địa điểm, ghép chung với gia đình nên khó đảm bảo môi trường giáo dục.

Anh Trần Trung Anh, ở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa phàn nàn: “Gần nhà tôi không có trường mầm non công lập nên sáng nào cũng phải đi cả chục kilômét đưa con về trường mầm non ở quận Ba Đình để gửi con, rồi vội vã quay về đường Trần Duy Hưng để làm việc. Vì sợ tắc đường nên sáng nào tôi cũng phải đánh thức cháu dậy từ 6h sáng. Mặc dù trường có cả dãy nhà cao tầng nhưng khuôn viên để các cháu chơi còn hẹp, có lớp học lên đến 40 cháu, nhiều hơn quy định”.

Cũng theo anh Trung Anh: “Những gia đình thu nhập thấp thường gửi con vào những cơ sở tư nhân có mức phí rẻ. Nhưng những nơi đó cơ sở vật chất thường không đạt tiêu chuẩn và chất lượng nuôi dạy trẻ chỉ ở mức trung bình hoặc kém. Do đó, việc hỗ trợ các trường mầm non tư thục là một vấn đề cần được xem xét”. 

Cần tăng cường kiểm tra, xử lý

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, chỉ cơ sở nào đáp ứng được yêu cầu chăm sóc và đảm bảo an toàn cho trẻ mới được cấp phép và hoạt động. Song điều đáng buồn là đối với hầu hết cơ sở trông trẻ tư nhân, mặc dù không đủ điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động nhưng vẫn tồn tại.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có quy định cụ thể nào yêu cầu chủ cơ sở nuôi dạy trẻ phải là người qua đào tạo, có kiến thức về quyền trẻ em. Được biết, Bộ GD-ĐT đã từng ban hành một số văn bản có nội dung yêu cầu các nơi trông giữ trẻ phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn cho trẻ, nghiêm cấm các cá nhân có những hành vi dọa nạt, quát mắng trẻ...

Tuy nhiên với thực trạng hiện nay, việc kiểm soát của cơ quan chuyên ngành đối với các điểm trông giữ trẻ tư nhân đang bị buông lỏng.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty Luật TNHH S&B cho rằng: Sự việc người trông giữ trẻ hành hạ, ngược đãi bé gái 3 tuổi khi tắm cho bé ở huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Đây không phải là vụ việc mới xảy ra lần đầu. Trước đây, đã có rất nhiều vụ việc tương tự xảy ra và cũng bị pháp luật xử lý hình sự.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao hành vi mất nhân tính này vẫn có chiều hướng gia tăng? Ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, ngoài các trường công lập, trường mầm non tư thục tập trung ở các thành phố lớn vẫn còn không ít những cơ sở trông, giữ trẻ tự phát. Những cơ sở này hầu hết không có giấy phép hành nghề.

Bên cạnh đó, trẻ em thuộc lứa tuổi mầm non, mẫu giáo là đối tượng có khả năng phản ứng, tự vệ kém nên dễ bị hành hạ ngược đãi. Có thể nói, ở nước ta hiện nay vấn đề đầu tư giáo dục, đặc biệt là đối với trường mầm non đạt chuẩn vẫn chưa thực sự được quan tâm.

Để hạn chế những sự việc nghiêm trọng xảy ra, Nhà nước cần có những quy định, văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hơn về vấn đề đăng ký, quản lý đối với các cơ sở, trường mầm non tư thục...

Nhóm PV Bạn đọc