Điểm sáng y tế Tây bán cầu

ANTĐ - Tổng thống Venezuela H. Chavez đã lên đường sang Cuba để tiếp tục quá trình điều trị ung thư. Một lần nữa Cuba lại cho thấy tiềm năng vượt trội của mình trong lĩnh vực y tế bất chấp khó khăn do cấm vận.

Tổng thống H. Chavez trở về nước ngày 4-7 sau 3 tuần điều trị tại Cuba để cắt bỏ khối u ác tính vùng xương chậu. Ông cho biết các bác sĩ đã không phát hiện thêm tế bào ung thư ác tính trong cơ thể ông sau cuộc phẫu thuật và lần này ông sang Cuba là để thực hiện hóa trị.

Trước khi rời đất nước, ông H. Chavez đã ủy quyền điều hành đất nước cho Phó tổng thống E. Jaua và Bộ trưởng Tài chính J. Giordani. Ông cho biết sẽ điều hành cuộc họp nội các qua đường liên lạc trực tuyến từ Thủ đô La Habana.

Là người bạn của Cuba nên việc Tổng thống H. Chavez chọn Cuba là nơi chữa bệnh không phải là điều bất ngờ. Nhưng đối với một căn bệnh hiểm nghèo như ung thư thì việc ông H. Chavez đặt niềm tin vào Cuba xuất phát từ trình độ vượt trội của nền y học nước này. Thực tế, dù bị bao vây, cấm vận trong suốt 50 năm qua, nhưng hệ thống y tế của Cuba vẫn phát triển ở trình độ tiên tiến trên thế giới, thậm chí còn vượt qua một số cường quốc kinh tế.

Tổng thống H.Chavez cùng các con gái trước khi rời đi Cuba chữa bệnh 

 Tổng thống H.Chavez cùng các con gái trước khi rời đi Cuba chữa bệnh

Bằng chứng là Cuba thực hiện phẫu thuật động mạch vành đầu tiên vào năm 1964, ghép tủy xương và ghép gan vào năm 1985, ghép dây thần kinh trị bệnh Parkinson vào năm 1987. Các trung tâm sinh học Cuba cũng đi đầu trong sản xuất hàng loạt các dược phẩm công nghệ cao cấp, có uy tín trên thị trường quốc tế như vaccine chống viêm màng não Nhật Bản B, C, điều trị ung thư phổi, phòng viêm gan B, chữa nhồi máu cơ tim... Cuba cũng đạt được những bước tiến quan trọng trong việc điều chế  vaccine chống HIV/AIDS, ngừa sốt xuất huyết. Hiện các sản phẩm dược của Cuba được xuất khẩu tới 40 quốc gia trên thế giới, hàng năm thu về 350 triệu USD.

Nhờ hưởng lợi từ một nền y học phát triển như vậy, người dân Cuba hiện có tuổi thọ trung bình thuộc loại cao nhất thế giới (80 tuổi). Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh của nước này đã xuống tới mức kỷ lục ở mức 0,45% (năm 2010). Đây cũng là tỷ lệ thấp nhất ở châu Mỹ, thậm chí thấp hơn nhiều so các con số thống kê do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đưa ra đối với Canada và Mỹ (0,6%) và Chile (0,7%).

Không chỉ quan tâm đến sức khỏe người dân trong nước, các bác sĩ Cuba còn đi khắp thế giới để thực hiện sứ mệnh nhân đạo. Kể từ năm 1963 đến nay, Cuba đã cử gần 113.600 lượt bác sỹ, y tá và nhân viên y tế đi làm việc tại 103 nước, cứu sống hơn một triệu bệnh nhân thoát khỏi các căn bệnh hiểm nghèo. Đội ngũ y tế nước này từng tham gia chữa trị 19 nghìn nạn nhân trong thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986 tại Liên Xô (cũ), có mặt tại những nơi bị thiên tai như trận sóng thần năm 2004 tại vùng Ấn Độ Dương và động đất ở

Pakistan năm 2005. Cuba còn giúp đào tạo 53 nghìn sinh viên thuộc 89 nước trên thế giới.

Tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 5 năm 2009, chứng kiến các nguyên thủ quốc gia Mỹ Latinh hết lời ca ngợi sự trợ giúp y tế của Cuba tại các nước trong khu vực, Tổng thống Mỹ B. Obama đã thốt lên: “trợ giúp y tế của La Habana hiệu quả hơn nhiều so với sức mạnh quân sự của Washington”.

Còn đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Cuba J. Ortis thì nhận xét: “Trong số hàng triệu trẻ em không được tới trường, hàng triệu trẻ em khi ra đời không được khai sinh, hàng triệu trẻ em phải lao động để mưu sinh ở khu vực Mỹ Latinh, không có bất cứ em nào trong số đó là người Cuba”. Dù còn khó khăn nhưng Cuba vẫn là điểm sáng tại Tây bán cầu.