Điểm nhấn năm học mới

ANTĐ - Năm học mới 2013-2014 chính thức bắt đầu và điều ai cũng mong muốn là tạo được những biến chuyển về chất lượng giảng dạy, học tập. Một trong những điểm nhấn trong năm nay là việc triển khai rộng rãi hơn mô hình trường học mới cùng sự đầu tư lớn cho cơ sở vật chất.

Một trong những lớp học mới được đưa vào sử dụng trong dịp khai giảng 2013

Mở rộng mô hình trường học mới

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng Phòng GD Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2012 - 2013 là năm học thứ 2 Bộ GD-ĐT tổ chức thí điểm mô hình trường học mới (VNEN). Năm học vừa qua, Hà Nội có duy nhất một trường được chọn thí điểm mô hình này là trường tiểu học Tả Thanh Oai. Ưu điểm của mô hình là chú trọng phát triển năng lực tự học cho học sinh khi các em có nhiều cơ hội độc lập suy nghĩ, bộc lộ ý kiến riêng khi làm việc theo nhóm, được tranh luận, tự đánh giá bản thân và đánh giá các bạn. Chính điều này đã khắc phục được tính thụ động theo phương pháp dạy học thông thường. Còn với giáo viên cũng bắt buộc phải quen với cách tự học, tự tra cứu thông tin để đáp ứng yêu cầu của bài học, không phụ thuộc vào sách hướng dẫn như trước. Với yêu cầu này, giáo viên sẽ phát huy khả năng linh hoạt, sáng tạo thay vì chỉ lặp đi lặp lại một giáo trình và sách giáo khoa.

Ông Phạm Xuân Tiến cho biết, trong năm học 2013 - 2014, Hà Nội sẽ mở rộng mô hình này với 50 trường thuộc 15 quận, huyện. Cùng với đó, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ mời các quận, huyện còn lại tham gia các chuyên đề với mục tiêu giới thiệu mô hình VNEN cũng như chuẩn bị các nội dung cần thiết để tham gia thí điểm trong năm học 2014-2015. 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, năm học mới 2013-2014, các địa phương trên cả nước đăng ký mở rộng thêm 200 trường triển khai dự án mô hình trường học mới. Trước đó, trong năm đầu tiên triển khai đã có 1.447 trường tiểu học với 2.881 lớp, hơn 57.000 học sinh tham gia. Kết quả cho thấy đã đổi mới các hoạt động sư phạm trong nhà trường, bảo đảm cho học sinh có được kiến thức, kỹ năng qua tự học và hoạt động tập thể, học sinh tự quản, tự tin, gắn bó nhà trường, gia đình và xã hội. 

Thầy trò trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
 khai giảng trong ngôi trường mới đạt chuẩn quốc gia

Bứt phá với đầu tư ngân sách và xã hội hóa

Với lợi thế về nguồn lực, năm học mới, Giám đốc Sở   GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết, toàn thành phố đã xây mới được 7.210 phòng học, trong đó công lập là 5.846 phòng, bậc tiểu học được tập trung nhiều nhất với 3.359 phòng do đây cũng là cấp học có số học sinh tăng cao nhất 11.000 em. Năm học này, Hà Nội cũng đưa vào 10 trường học mới, trong đó có 8 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THPT.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, Hà Nội luôn ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo. “Từ khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, thành phố đã xây mới, thay thế hàng nghìn phòng học; đầu tư nhiều trường đạt chuẩn chất lượng cao, như Hà Nội - Amsterdam; trường chuyên THPT Nguyễn Huệ, Trung cấp đa ngành Sóc Sơn…, đầu tư thêm 339 trường chuẩn quốc gia, nâng tổng số lên 768 trường chuẩn, chiếm 32,1% tổng số trường toàn thành phố. Để tận dụng thế mạnh, tạo được bứt phá trong chất lượng giáo dục, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho rằng cần có sự quan tâm của Bộ GD-ĐT, tạo điều kiện để ngành GD-ĐT Thủ đô thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; thu hút mọi nguồn lực xã hội và phát huy tiềm năng đội ngũ trí thức để xây dựng một xã hội học tập, tạo tiền đề phát triển kinh tế tri thức. Đặc biệt, với việc thực hiện Luật Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, đây là cơ sở để Hà Nội đưa ra chủ trương triển khai mô hình trường học chất lượng cao nhằm thu hút xã hội hóa, tạo cơ sở bứt phá trong chất lượng đào tạo nhân lực Thủ đô.

* Về đổi mới phương pháp dạy: Thầy giáo không giảng bài truyền thụ một chiều như cũ mà phải hướng dẫn học sinh tự làm việc với sách giáo khoa, làm việc với các thiết bị để tự mình lĩnh hội tri thức. 

* Về đổi mới phương pháp học: Học sinh không ngồi nghe giảng một chiều mà dưới sự hướng dẫn của thầy giáo, học sinh chủ động làm việc để hiểu được kiến thức, tự mình làm việc với các thiết bị giáo dục, vận dụng kiến thức vào giải quyết các tình huống trong thực tế. 

* Về đổi mới kiểm tra đánh giá: Trước đây, chúng ta chỉ đánh giá kết quả học tập cuối cùng của học sinh nhưng hiện nay không chỉ đánh giá kết quả cuối cùng mà phải đánh giá cả quá trình học tập của các em. 

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Phạm Ngọc Định