Điểm danh những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Bộ LĐ-TB&XH, tai nạn lao động năm 2021 giảm so với năm 2020 cả về số người chết và số vụ tai nạn lao động chết người.

Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo về tình hình tai nạn lao động năm 2021 và một số giải pháp chủ yếu nhằm chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động năm 2022.

Theo đó, cơ quan này cho biết năm 2021, trên toàn quốc đã xảy ra 6.504 vụ tai nạn lao động, giảm 1.876 vụ so với năm 2020) làm 6.658 người bị nạn.

Trong đó, số vụ tai nạn lao động chết người là 749 vụ, giảm 170 vụ tương ứng 18,5% so với năm 2020. 786 người chết vì tai nạn lao động. Số người bị thương nặng là 1.485 người.

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, tình hình tai nạn lao động năm 2021 trong khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động giảm so với năm 2020 cả về số người chết và số vụ tai nạn lao động chết người.

Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2021 là TP.HCM, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Thái Nguyên.

Trong đó, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng do than cháy nội sinh, xảy ra ngày 26/1/2021 tại IIK22-IIK25, Lò dọc vỉa than mức -180 mét thuộc khai trường khai thác than của Công ty Cổ phần Khoáng sản Kim Bôi - Chi nhánh Hải Dương (Trại Nẻ, phường An Lạc, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

Hậu quả khiến 4 người chết, 4 người bị thương là người lao động của Công ty Cổ phần khoáng sản Kim Bôi - Chi nhánh Hải Dương.

Tiếp đó, vụ tai nạn lao động nghiêm trọng do ngạt khói, xảy ra ngày 16/4/2021 tại khu Xưởng trống tầng 2, Xưởng PKG, Nhà máy số 2, Công ty TNHH Dreamtech Việt Nam (đường Hữu Nghị, Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh). Sự cố xảy ra khiến 3 người chết là công nhân của Công ty.

Ngoài ra, ngày 22/7/2021, do cháy nổ hệ thống hút bụi tại nhà xưởng sản xuất của Công ty Tuyển Hưng (ấp 2, xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) khiến 2 người chết.

Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.