Dịch tay chân miệng vào mùa cao điểm

ANTĐ - Hiện đang bước vào cao điểm dịch tay chân miệng với tốc độ lây lan nhanh chóng. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần nâng cao kiến thức trong việc phòng, chống bệnh.

Dịch tay chân miệng vào mùa cao điểm ảnh 1Ảnh: Internet

Triệu chứng nhiễm bệnh

Triệu chứng bệnh bắt đầu xuất hiện sau khi nhiễm virus từ 3-6 ngày. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ (38-38,5 độ C), đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày. Sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát.

Đầu tiên là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông. Các mụn nước có kích thước nhỏ từ 2 đến 3mm nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ. Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét đau rát làm bệnh nhân khó ăn uống. Chúng thường tồn tại trong vòng 7 đến 10 ngày rồi xẹp xuống và tự mất đi kể cả khi không được điều trị. Bệnh nhân có khả năng lây bệnh cho người khác qua đường hô hấp trong 1 tuần đầu bị bệnh. Theo các chuyên gia y tế, dịch tay chân miệng xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát thành dịch vào khoảng tháng 4, 5 và tháng 10 hàng năm. 

Phương pháp điều trị khi bị bệnh

PGS.TS Phạm Nhật An, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện bệnh tay chân miệng không có thuốc điều trị đặc hiệu mà thuốc điều trị chủ yếu là để hỗ trợ triệu chứng. Chẳng hạn các bé sốt thì cho hạ sốt sớm để ngăn ngừa tiến triển của bệnh. Bé đau, khó chịu (thường gặp ở miệng) thì dùng các thuốc bôi vừa để sát khuẩn vừa để giảm đau. Thể nặng thì có những phương pháp điều trị đặc biệt như dùng Globulin miễn dịch…; việc này do các bác sĩ điều trị quyết định. 

Trẻ mắc tay chân miệng thể nhẹ thì không cần đưa đến bệnh viện. Biểu hiện của trẻ là không sốt trên 38,5 độ C, trẻ không có các biểu hiện thần kinh (vật vã, kích thích, li bì, rung giật cơ), không có các biểu hiện nôn nặng, mất nước, khó thở, suy hô hấp. Trường hợp này ngoài điều trị triệu chứng cần cho trẻ ăn uống, bổ sung vitamin nhằm tăng sức đề kháng. Trẻ tổn thương miệng cần cho trẻ súc miệng, uống nhiều nước và dùng các thuốc vừa có tính sát khuẩn vừa có tính giảm đau bôi vào miệng trước khi cho trẻ ăn khoảng 30 phút để trẻ thấy dễ chịu khi ăn. 

Về chế độ dinh dưỡng, theo các bác sĩ, trẻ bị tay chân miệng không phải kiêng bất kỳ một loại thực phẩm nào. Ngược lại các bậc phụ huynh cần cho trẻ ăn uống đa dạng để đảm bảo dinh dưỡng, đặc biệt nên lựa chọn các thực phẩm giàu vitamin A, C và kẽm vì đó là các vi chất dinh dưỡng có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ nhanh hồi phục. Cần chọn thức ăn lỏng, không quá nóng và cũng không quá lạnh cho trẻ. 

Mắc bệnh vẫn có nguy cơ tái phát

Virus E71, A6 A16 là tên chuyên ngành của những virus gây bệnh tay chân miệng. Giữa các virus này cơ chế miễn dịch không có bảo vệ chéo, do vậy theo PGS.TS Phạm Nhật An, trẻ hoàn toàn có thể bị tái mắc do các chủng virus khác. 

Hiện không có vaccine phòng tay chân miệng nên việc phòng bệnh chủ yếu là vệ sinh cá nhân, bảo vệ an toàn thông qua rửa tay, không chỉ với trẻ mà cả người trông trẻ dưới 5 tuổi. Thói quen mút tay của trẻ là điều mà các bà mẹ cũng nên để ý. Đồ chơi của trẻ cũng nên thường xuyên khử trùng để đảm bảo trẻ không bị lây nhiễm bệnh. Tay cầm cửa cũng nên được vệ sinh, sàn nhà, nhà vệ sinh, khu vực chế biến thực phẩm nên được vệ sinh sạch sẽ. Để đảm bảo cho trẻ tránh nhiễm bệnh, cần phải theo dõi chặt chẽ, nếu có nghi ngờ nên đưa đến cơ sở y tế để tránh biến chứng nặng và tử vong.

Trẻ cần được cách ly trong thời gian bị bệnh cho đến khi hết triệu chứng, hết sốt, vết loét đã lành thì trẻ có thể hòa nhập cùng mọi người.