- Dịch tả lợn ở Trung Quốc có thể lây lan sang các nước khác
- Dịch tả lợn châu Phi vô cùng nguy hiểm lây lan như thế nào?
- Trung Quốc lao đao vì dịch tả lợn châu Phi, Việt Nam khẩn cấp đề phòng
Tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT cũng đã có Công điện khẩn, triển khai các biện pháp ngăn chặn nhưng với đường biên dài, nguy cơ lây nhiễm được Bộ này nhận định là rất cao.
Ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, dịch tả lợn châu Phi (ASF) chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng nguy cơ lây nhiễm sang nước ta là rất cao vì dịch bệnh này đã lan sang Trung Quốc. Vì vậy, cần kiểm soát chặt nhập khẩu thịt lợn tại các tuyến biên giới.
Ông Đàm Xuân Thành thông tin, Bộ NN&PTNT đã có công văn hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn và trong tuần này, bộ sẽ có cuộc họp để nghe báo cáo về vấn đề này.
Cũng theo Cục Thú y, ASF gây chết ở lợn với tỉ lệ rất cao nhưng hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị. Tuy nhiên, dịch này không gây bệnh trên người. Do đó, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng.
Đàn lợn trong nước đang thiếu hụt cung, trong khi đó dịch tả lợn châu Phi đã áp sát biên giới, nguy cơ lây lan cao trong thời gian tới
“Khi phát hiện lợn bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh, bị chết, người chăn nuôi và chính quyền địa phương các cấp cần báo ngay cho thú y xã, cơ quan thú y nơi gần nhất. Nếu giấu dịch, giữ lợn bệnh để tự điều trị là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bùng phát, khó khống chế và kiểm soát dịch.
Người dân khi phát hiện lợn bệnh cần báo ngay cho nhân viên thú y xã, chính quyền địa phương và cơ quan thú y nơi gần nhất để lấy mẫu xét nghiệm trước khi thực hiện việc tiêu hủy đàn lợn, sản phẩm lợn kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín”, đại diện Cục Thú y khuyến cáo.
Còn ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cũng cho hay, các đơn vị phải tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh vì ngành chăn nuôi lợn đang phát triển tốt, chiếm tỷ trọng cao, nếu có biến cố sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung.
“Các doanh nghiệp, HTX, người chăn nuôi không được lơ là vì hiện nay bệnh chưa có vaccine phòng bệnh. Cần chăm sóc tốt đàn lợn để có sức đề kháng, hạn chế khách tham quan cơ sở chăn nuôi, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học”, ông Dương cho biết.
Trong 2 ngày 11 và 12-9, Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) và Cục Thú y cũng sẽ tổ chức hội nghị về vấn đề này để thông tin về bệnh ASF và triển khai các biện pháp ứng phó để tránh bị động.
Tổ chức FAO thông tin, dịch tả lợn châu Phi khởi phát ở Trung Quốc hồi đầu tháng 8, sau đó lan ra 18 trang trại và lò mổ thuộc 6 tỉnh nước này.
FAO cảnh báo dịch tả lợn châu Phi gần như chắc chắn sẽ tấn công các nước khác, chủ yếu qua các sản phẩm thịt lợn đã qua hoặc chưa qua chế biến. Nguy hiểm hơn, việc đối phó, kiểm soát dịch được đánh giá là cực kỳ vất vả bởi virus tả lợn có thể tồn tại hàng tháng trời trong các sản phẩm thịt cũng như thức ăn chăn nuôi. Trước tình hình dịch bệnh, Trung Quốc đã tiêu hủy hơn 38.000 con lợn, đồng thời cấm vận chuyển lợn tại các ổ dịch.
Theo FAO, bệnh dịch tả lợn châu Phi không tự lây lan phát tán nhanh so với virus lở mồm long móng, lợn tai xanh hay dịch tả cổ điển. Bệnh lây lan do có yếu tố con người tác động như vận chuyển lợn và sản phẩm lợn lây nhiễm từ nơi này sang nơi khác
Bệnh có khả năng gây chết rất cao, 100%; hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị; Giải pháp chính là ngăn chặn và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, chăn nuôi an toàn dịch bệnh; Bệnh không lây nhiễm và không lây bệnh ở người. Theo khuyến cáo của OIE, nếu dịch bệnh xảy ra phải tiêu hủy; lợn trong khu vực bán kính 3 km sẽ bị cấm vận chuyển buôn bán.