Dịch tả lợn châu Phi vô cùng nguy hiểm lây lan như thế nào?

ANTD.VN - Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc vào tháng trước, đang lây lan rất nhanh và gần như chắc chắn sẽ xuất hiện ở các nước khác ở khu vực châu Á, bởi lẽ Trung Quốc sản xuất một nửa lượng thịt lợn của thế giới với tổng đàn lợn hiện tại khoảng 500 triệu con lợn.

Chủ động ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Chỉ hơn 1 tháng sau khi phát hiện, virus này đã được phát hiện ở 18 trang trại và lò mổ ở 6 tỉnh của nước này, trong đó có những tỉnh cách nhau hơn 1.000km.

“Thịt lợn hiện đang được sản xuất và tiêu thụ rất nhiều ở các nước châu Á, đặc biệt là ở các nước Đông Á và Đông Nam Á. Việc virus xâm nhập vào các nước khác trong khu vực gần như là chắc chắn”- FAO nhấn mạnh.

Ông Juan Lubroth- Giám đốc chương trình Thú y toàn cầu của FAO cho biết: “Dịch tả lợn châu Phi có thể lây nhiễm xuyên biên giới thông qua việc vận chuyển, lưu hành các sản phẩm thịt lợn bị nhiễm bệnh và gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Vấn đề chỉ là thời gian”.

Theo các chuyên gia của FAO, virus của dịch tả lợn hiện không có vaccine, không thể chữa nhưng không phải là nguy cơ trực tiếp đối với con người. Đây là một chủng độc lực cao, virus này sẽ khiến 100% số lợn bị nhiễm bệnh chết.

Tuy nhiên, virus dịch tả lợn châu Phi ít có khả năng lây lan qua việc vận chuyển động vật sống mà thông qua thịt lợn đã chế biến hoặc sản phẩm tươi.

“Virus này sống rất khỏe và có thể tồn tại nhiều tuần hoặc vài tháng trong thịt lợn được bảo quản hoặc thịt muối, thức ăn chăn nuôi”.

Virus này là mối đe dọa đối với sinh kế, nền kinh tế và cho toàn bộ ngành chăn nuôi và các chuỗi giá trị lien quan, do vậy các nước trong khu vực và xuyên quốc gia cần ứng phó với nguy cơ lớn này.