Dịch đau mắt đỏ lan rộng

(ANTĐ) - Tại các BV trên địa bàn Hà Nội, từ đầu tháng 7 vừa qua đã bắt đầu ghi nhận một số bệnh nhân đau mắt đỏ vào khám, điều trị. Khoảng 10 ngày trở lại đây, số bệnh nhân bắt đầu tăng mạnh ở tất cả các quận, huyện của Thủ đô.

Dịch đau mắt đỏ lan rộng

(ANTĐ) - Tại các BV trên địa bàn Hà Nội, từ đầu tháng 7 vừa qua đã bắt đầu ghi nhận một số bệnh nhân đau mắt đỏ vào khám, điều trị. Khoảng 10 ngày trở lại đây, số bệnh nhân bắt đầu tăng mạnh ở tất cả các quận, huyện của Thủ đô.

Ông Nguyễn Khắc Hiền - Phó GĐ Sở Y tế kiểm tra khám chữa bệnh đau mắt đỏ tại BV Mắt Hà Nội

Ông Nguyễn Khắc Hiền - Phó GĐ Sở Y tế kiểm tra khám chữa bệnh đau mắt đỏ tại BV Mắt Hà Nội

Bệnh phát tán nhanh

Tại Khoa Khám bệnh - BV Mắt Trung ương sáng 13-8, số bệnh nhân bị đau mắt đỏ vào khám, điều trị chiếm tỷ lệ khá cao và gặp ở mọi độ tuổi. Bác sĩ Hoàng Cương - Khoa Khám bệnh cho biết, những ngày gần đây mỗi ngày BV tiếp nhận hơn 100 ca đau mắt đỏ vào khám, không tăng nhiều so với thời điểm giữa tháng 7 song số ca bệnh nặng chiếm tỷ lệ cao hơn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám nhiều nhất tại BV Mắt Hà Nội. Bà Vũ Thị Thanh - Giám đốc BV Mắt Hà Nội cho biết, chỉ tính từ ngày 26-7 đến 6-8 đã có 2.483 lượt bệnh nhân đến khám mắt, trong đó 677 trường hợp bị viêm kết mạc (đau mắt đỏ), chiếm tỷ lệ gần 1/3. Nguyên nhân dẫn đến viêm kết mạc cấp là do virut Adeno hoặc các loại vi trùng như tụ cầu, liên cầu, lậu cầu... Bệnh thường xuất hiện vào mùa hè và phát tán rộng do lây từ người sang người, qua hô hấp, tiếp xúc, nguồn nước ô nhiễm và điều kiện vệ sinh kém. Cũng vì thế, bệnh phát tán nhanh và rất dễ trở thành dịch.

Ông Nguyễn Khắc Hiền - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời điểm này bệnh đau mắt đỏ đã xuất hiện ở tất cả các quận, huyện của thành phố. Trong đó, tập trung nhiều nhất là ở các quận nội thành, tiếp đến là huyện Hoài Đức… Trước tình hình dịch lây lan mạnh, Sở Y tế đã chỉ đạo hệ thống TTYT dự phòng của thành phố phối hợp với các BV trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh, điều tra các yếu tố dịch tễ, yếu tố nguy cơ để có biện pháp xử lý môi trường, xử lý nguồn nước, xử lý ổ dịch, không để dịch lây lan. Các đơn vị điều trị phải chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất cho công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, Sở cũng chỉ đạo các đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh đau mắt đỏ trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường để người dân biết cách phòng tránh.

Đề phòng biến chứng

Theo bác sĩ Hoàng Cương, bệnh đau mắt đỏ không quá nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, theo đúng chỉ định của thầy thuốc. Tuy nhiên, do nhiều người vẫn tỏ ra chủ quan với bệnh này nên thường xuyên có khoảng 20% trường hợp gặp các biến chứng từ nhẹ đến nặng như khô mắt, viêm giác mạc, loét giác mạc, viêm màng bồ đào… Đặc biệt, những trường hợp tự ý dùng tân dược điều trị kéo dài dễ dẫn đến biến chứng tăng nhãn áp, có thể dẫn đến mù lòa. 

Để đề phòng các biến chứng của bệnh, bác sĩ Vũ Thị Thanh khuyến cáo: Đối với người chưa bị bệnh đau mắt đỏ cần thực hiện các biện pháp dự phòng, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng tiệt trùng, có thể tra thuốc phòng như: nước muối 9‰ hoặc cloroxit 0,4% và hạn chế tiếp xúc với người đang bị bệnh viêm kết mạc. Khi bị đau mắt đỏ nên đến các phòng khám chuyên khoa mắt và tuyệt đối không được tự tiện tra thuốc khi không có hướng dẫn của bác sĩ. Không dùng chung khăn và chậu rửa mặt... đặc biệt  nên đeo kính và không đi tắm ở các bể bơi để phòng tránh cho những người xung quanh.

Ngoài ra, các bác sĩ còn khuyến cáo, người bị đau mắt cần tránh dùng thực phẩm kích thích có vị nóng như hành, tỏi, ớt, thịt chó, các chất tanh như tôm, cua, cá, tránh rượu bia và các đồ uống có cồn để tránh gây kích ứng cho mắt.

Nguyễn Phan