- Khởi tố đối tượng hành hung kiểm lâm, cướp lại gỗ lậu
- Đấu tranh quyết liệt với "cát tặc"
- Lâm tặc hành hung kiểm lâm, cướp lại gỗ
“Lâm tặc” và “cát tặc” là hai loại giặc nguy hiểm nhất tàn phá, hủy hoại tài nguyên đất nước, gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường, kinh tế, đời sống cộng đồng cả trước mắt lẫn lâu dài. Đây cũng là thực trạng gây nhức nhối, bức xúc trong dư luận trong nhiều năm nay. Hà Nội có 15 tuyến sông lớn nhỏ, trong đó có 7 dòng sông đang khai thác, nạo vét cát.
Do nhu cầu và lợi nhuận béo bở từ khai thác trái phép tài nguyên nên các hoạt động nạo vét, “moi ruột” dòng sông diễn ra rất tinh vi, phức tạp cả ngày, lẫn đêm, nhất là tại các địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội với các tỉnh lân cận. Từng có những thời điểm cả một khúc sông hoạt động khai thác cát nhộn nhịp như công trường.
Gần đây, “cát tặc” hành nghề tinh vi hơn như dùng ống hút ngầm, đường kính lớn và sử dụng động cơ của tàu để khai thác mà không nhìn thấy máy bơm hút, không thấy tiếng động cơ khiến cho việc trinh sát, xử lý hết sức khó khăn. Chưa kể khi bị phát hiện, “cát tặc” lập tức bỏ chạy sang đất của tỉnh bên, thậm chí “bỏ của chạy lấy người”.
Thực trạng này càng phức tạp hơn khi vẫn còn tồn tại nhiều bến bãi tập kết vật liệu xây dựng hoạt động trái phép hoặc ký hợp đồng thuê đất với chính quyền địa phương, hợp tác xã và thanh toán tiền nhiều năm liền. Trong khi đó, sự phối hợp, chung tay giữa các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, xử lý các tổ chức, chủ tàu vi phạm vẫn còn nhiều “trục trặc”, đặc biệt tại các địa bàn giáp ranh sông nước. Vì vậy, việc phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trên lĩnh vực đường thủy là hết sức quan trọng, giúp chặn đứng, tiến tới dẹp hoàn toàn nạn “cát tặc”.
Cũng như “lâm tặc”, nạn “cát tặc” gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống đê, kè, sói mòn, sạt lở bờ sông... không chỉ ở một địa phương nào, một khúc sông nào chịu thiệt. Nếu nơi nào chỉ biết lo nơi ấy thì cuối cùng đều gánh chịu hậu quả chung.