Đeo khẩu trang vẫn là biện pháp quan trọng nhất phòng Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Theo Tiến sỹ Trần Đắc Phu (Cố vấn cao cấp của Bộ Y tế về phòng chống dịch Covid-19), phải đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 mới có vaccine phòng Covid-19. Do đó, điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế mà trong đó quan trọng nhất vẫn là đeo khẩu trang…

Hà Nội quyết liệt thực hiện biện pháp phòng chống dịch, nhất là việc đeo khẩu trang

Hà Nội quyết liệt thực hiện biện pháp phòng chống dịch, nhất là việc đeo khẩu trang

Nhiều dấu hiệu chủ quan

Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua, 5 đoàn kiểm tra của thành phố tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các quận, huyện. Kiểm tra thực tế cho thấy, các đơn vị đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân chủ quan với dịch bệnh, đặc biệt là không đeo khẩu trang tại các nơi công cộng như tại khu chung cư, khu chợ và bến tàu xe trên địa bàn.

Theo ghi nhận của phóng viên ANTĐ, ở các chợ ngoại thành, tình trạng người dân không đeo khẩu trang còn khá nhiều. Với các chợ có cổng ra vào riêng và có lực lượng kiểm soát thì việc thực hiện đeo khẩu trang khá tốt. Nhưng với các chợ dân sinh, hầu như người dân vẫn không đeo khẩu trang. Báo cáo của các đoàn kiểm tra cho thấy, với các chợ được thông báo trước thì người bán và người mua đều đeo khẩu trang nghiêm túc. Nhưng khi kiểm tra đột xuất thì người dân ở đây đều không đeo khẩu trang. Ở thị xã Sơn Tây, các chợ chỉ có 25%-30% người dân chấp hành đeo khẩu trang. Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra nhắc nhở, tuy nhiên họ cũng cho biết vì mức xử phạt theo quy định mới khá cao (từ 1 triệu đến 3 triệu đồng) nên chủ yếu là tuyên truyền, nhắc nhở, vận động người dân để tránh việc xử phạt sẽ thành gánh nặng kinh tế với người lao động.

Hãng dược Pfizer vừa thông báo kết thúc thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng Covid-19 hiệu quả 95%. Trước đó, hãng dược Moderna cũng cho biết, độ bảo vệ của các liều tiêm mà hãng đang phát triển là 94,5%. Nga tuyên bố ứng viên Sputnik V hiệu quả hơn 90% sau đó công bố lại là 92%. Đây được đánh giá là bước ngoặt trong cuộc chiến chống dịch. Đến nay, thế giới có hơn 100 loại vaccine đang trong giai đoạn phát triển, 12 ứng viên đã tiến đến thử nghiệm giai đoạn cuối.

Tại quận Cầu Giấy, các chợ có khoảng 80% người dân chấp hành đeo khẩu trang. Nhưng tại huyện Gia Lâm thì con số này chỉ có 10%. Đáng chú ý, ở các khu tập thể thao công cộng hầu như người dân không đeo khẩu trang và không có ai quản lý, kiểm tra. Ở phố đi bộ Hoàn Kiếm, người dân hầu hết đều có khẩu trang nhưng khi đi qua chốt kiểm soát của lực lượng chức năng thì lại bỏ ra. Khi được hỏi thì ai cũng có lý do là cần nói chuyện, hoặc tháo khẩu trang để ăn uống. Theo Sở Y tế, đây là những nguy cơ cần cần phải giám sát chặt chẽ, xử phạt nghiêm hơn nếu không người dân sẽ không thực hiện nghiêm túc.

Cảnh giác nguy cơ dịch tái bùng phát

TS. Trần Đắc Phu đánh giá cao việc Hà Nội vẫn quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nhất là việc đeo khẩu trang. Qua mấy đợt dịch, các biện pháp mà Việt Nam và Hà Nội đã làm thể hiện sự đúng đắn trong phòng chống lây nhiễm Covid-19. Ông Phu cũng lưu ý, bối cảnh hiện nay giống như sau đợt dịch lần 1. Khi mùa đông đến, việc nới lỏng các giải pháp và lơ là phòng dịch sẽ khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh tăng cao, nhất là khi câu hỏi “trong cộng đồng hiện nay còn mầm bệnh hay không” vẫn chưa thể trả lời được.

Đề xuất việc thỉnh thoảng cần lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở bệnh viện, đặc biệt là ở các khoa có bệnh nhân nặng để chủ động đề phòng ngừa dịch Covid-19, ông Phu nói rõ: “Hiện nay hàng trăm hãng trên thế giới đang sản xuất vaccine và đang thử nghiệm. Tuy nhiên vẫn còn câu hỏi về việc miễn dịch kéo dài được bao lâu. Giá vaccine và việc nhập khẩu vào Việt Nam còn khó khăn. Trong nước có 4 nơi đặt vấn đề sản xuất vaccine, có đơn vị đã thử nghiệm trên chuột, chuẩn bị xin thử nghiệm trên người, đơn vị khác đang thử nghiệm trên khỉ. Khả quan nhất thì cuối năm 2021, đầu năm 2022 may ra mới có vaccine. Do đó, quan trọng nhất hiện nay vẫn là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trong đó quan trọng nhất vẫn là thường xuyên rửa tay và đeo khẩu trang”.

Trước thực tế đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP tại cuộc họp ngày 11-11 đánh giá: “Thực tế là vẫn có nhiều người dân chưa thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Việc xử phạt thiếu quyết liệt, vẫn chỉ dừng lại ở tuyên truyền, nhắc nhở. Nguyên nhân này có cả từ phía người dân và lực lượng quản lý”. Cũng vì thế Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo ngay: “Yêu cầu các bệnh viện, bến bãi đỗ xe, phương tiện công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, phải bố trí người kiểm soát chặt chẽ, ai không có khẩu trang không cho vào, bố trí điểm bán khẩu trang ngay ở cửa”.

Người dân vẫn còn chủ quan, lơ là với biện pháp phòng dịch

Người dân vẫn còn chủ quan, lơ là với biện pháp phòng dịch

Kiên quyết xử phạt vi phạm

Tại các cuộc họp gần đây của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 thành phố đã liên tục yêu cầu các quận huyện báo cáo thực tế việc người dân đeo khẩu trang nơi công cộng. Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đề nghị các quận huyện cần phải quyết liệt hơn, vận động người dân thực hiện đúng các quy định phòng chống dịch; tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt hành chính đối với các trường hợp không đeo khẩu trang và đề nghị hàng tuần, các quận huyện phải có báo cáo cụ thể về việc này.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nêu rõ, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp khi số ca mắc và tử vong vẫn tiếp tục tăng lên, đặc biệt là ở Mỹ và khu vực châu Âu. Các trường hợp mắc mới đều là những người nhập cảnh và được cách ly ngay khi vào Việt Nam; song vẫn có nguy cơ lây lan dịch nếu các địa phương, đơn vị không thực hiện tốt công tác cách ly. Các đơn vị cần kiểm soát chặt chẽ, phát hiện kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép vào Hà Nội.

Đối với trường hợp tái dương tính rồi lại âm tính với Covid-19 trong tuần qua tại quận Cầu Giấy, Phó Chủ tịch UBND TP nhắc nhở: “Qua trường hợp này chúng ta vẫn phải luôn nâng cao cảnh giác và khi có trường hợp nghi ngờ lập tức triển khai ngay công tác khoanh vùng, lấy xét nghiệm. Chúng ta cần phải rút kinh nghiệm vì các bệnh viện vẫn còn chủ quan, khi bệnh nhân có biểu hiện sốt cao nhưng vẫn cho điều trị tại nhà mà chưa tiến hành xét nghiệm ngay. Nếu ca này dương tính thật thì sẽ rất dễ bùng phát dịch trong cộng đồng”.

“Người dân đã có dấu hiệu chủ quan, không đeo khẩu trang nơi công cộng. Nếu chỉ nhắc nhở, tuyên truyền thì không hiệu quả, vẫn phải có biện pháp xử phạt hành chính để nâng cao ý thức chấp hành”.

Ông Nguyễn Khắc Hiền Giám đốc Sở Y tế Hà Nội

“Tại huyện Thanh Trì và thực tế là đối với những chợ được thông báo trước thì người bán và người mua đều đeo khẩu trang nghiêm túc. Nhưng khi chúng tôi kiểm tra đột xuất không báo trước ở một vài điểm chợ khác thì người dân ở đây đều không đeo khẩu trang”.

Ông Đào Xuân Dũng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Trưởng đoàn kiểm tra phòng chống dịch Covid-19 số 5

“Ưu tiên hàng đầu hiện nay là phải đeo khẩu trang. Hiện nay, số người đeo khẩu trang rất ít. Để làm tốt việc này tôi đề xuất cán bộ phải gương mẫu thực hiện đeo khẩu trang; tăng cường kiểm tra các phường xã nhất là khi Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã có hiệu lực, trong đó có nội dung sẽ xử phạt nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, trong đó có đeo khẩu trang”.

Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội

Ít nhất 4-6 tháng nữa mới có thể tiêm chủng đại trà tại các nước

Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan

Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan

Ngày 18-11, Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan nhấn mạnh, vaccine không nên được coi như liều thuốc tiên. Ông Michael Ryan cảnh báo các quốc gia đang đối mặt với làn sóng Covid-19 có thể phải tiếp tục chiến đấu mà không sử dụng chúng. “Tôi nghĩ rằng phải mất ít nhất 4 đến 6 tháng, các nước mới có thể tiêm chủng đại trà. Một số người nghĩ rằng, vaccine theo nghĩa nào đó, sẽ là điều kỳ diệu chúng ta đang theo đuổi. Thực tế là không phải. Nếu chỉ trông vào vaccine mà quên đi các biện pháp khác, Covid-19 sẽ không biến mất” - ông Michael Ryan khẳng định.