Đeo bám để “chém” du khách

ANTĐ - Dù chưa phải là những tháng cận tết nhưng thời gian gần đây, tại nhiều điểm tham quan ở Hà Nội, tình trạng đeo bám khách du lịch đã diễn ra với đủ trò chèo kéo, xin xỏ, thậm chí là cả ăn vạ.

Tại nhiều địa điểm du lịch, tình trạng đeo bám khách lại tái xuất hiện


Kỹ nghệ “hành” khách

Chiếc xe ô tô chở khách của Công ty Lữ hành quốc tế V.J vừa dừng bánh gần cửa Quốc Tử Giám cũng là lúc 5-6 phụ nữ tay cầm chồng áo phông và mấy hộp kẹo cao su bủa kín trước cửa lên xuống. Với chút vốn ngoại ngữ “bồi”, cả nhóm người ăn mặc lấm lem này vừa chào hỏi, vừa lôi tay, kéo áo từng thành viên trong đoàn khách. Ngay cạnh đó, một thanh niên trạc tầm 20 tuổi cầm máy ảnh chụp loạn xạ. Sau một hồi chạy đi, chạy lại, đối tượng này gí sát màn hình máy ảnh vào mặt mấy vị khác nước ngoài và nói: “Beautiful photo, two dollars” (ảnh đẹp, 2USD/kiểu). “Tình trạng công khai đeo bám khách bên trong khuôn viên điểm tham quan đã được hạn chế, nhưng bên ngoài khu vực này, khách du lịch lâu nay vẫn bị đeo bám” - chị Tú Anh, hướng dẫn viên du lịch vẫn đưa khách đến tham quan Quốc Tử Giám cho biết.

Tại hồ Gươm và khu vực phố cổ, tình trạng đeo bám, vòi tiền khách cũng diễn ra nhưng kín đáo, tinh vi hơn. Đối tượng không chỉ là thợ chụp ảnh, người bán hàng rong, bán quà lưu niệm mà nhiều trường hợp là những vị khách du lịch rởm. “Con mồi” của những đối tượng này gồm cả khách “tây” lẫn khách “ta”.

Chị Trương Thanh Tâm (ở quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) kể: Đang ngồi hóng mát ở bờ hồ, chị Tâm được một người trạc trung niên nói giọng Bắc nhờ chụp hộ mấy kiểu ảnh. Gã đàn ông thử nháy đèn flash rồi đưa máy ảnh của gã cho chị. Đang loay hoay không biết chụp ảnh như thế nào, người phụ nữ lần đầu tiên đặt chân ra Hà Nội đã bị “vị khách” vai đeo ba lô cùng đám bậu xậu xúm lại bắt đền vì làm hỏng máy ảnh. “Biết bị lừa nhưng không muốn lôi thôi nên tôi đã đưa cho chúng 2,5 triệu đồng” - chị Tâm bức xúc.

Trong lúc khảo sát về hiện trạng này, người viết đã chứng kiến cảnh 2 khách du lịch người Nga bị mấy người bán hàng rong “chặt chém”. Số là vị khách “tây” muốn mượn nón và gánh hàng rong để chụp ảnh lưu niệm. Nhưng vì lóng ngóng nên người khách này đã làm gãy hoa và chuối trong gánh hàng rong. Chưa kịp xem lại mấy bức ảnh vừa chụp được, 2 nữ du khách đã bị người phụ nữ trẻ mắng té tát rồi buộc bồi thường 1 triệu đồng.


Thiếu chế tài xử lý

Suốt nhiều năm qua, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung giải quyết triệt để tình trạng đeo bám khách du lịch. Mỗi tháng đã có hàng chục trường hợp bị lập hồ sơ xử lý. Tuy nhiên, do chế tài xử phạt đối tượng đeo bám còn nhẹ nên ở một số địa điểm, khách du lịch vẫn bị quấy rầy.

Theo đại diện CAP Hàng Bạc, hoạt động chèo kéo khách du lịch ngày càng biến tướng. Trong khi đó theo Nghị định 73/2010/NĐ-CP, mức xử phạt tối đa chỉ là 150 nghìn đồng. Do số hàng hóa bị tịch thu có giá trị thấp dẫn đến tình trạng, đối tượng đeo bám bị phát hiện sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”. Hiện nay, “đội quân ba-ta” (đi giày ba-ta để dễ lẩn trốn) không còn sử dụng xe thồ, quang gánh lỉnh kỉnh mà chủ yếu đeo ba lô chứa hàng bên trong rồi thập thò ở các khu phố giáp ranh. Khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng này nhanh chóng lẩn sang địa bàn bên cạnh hoặc trà trộn vào các đoàn khách tham quan.

Thượng tá Phạm Văn Thời - Phó Trưởng CAQ Hoàn Kiếm cho biết, nhiều nhóm đối tượng đeo bám khách đã cấu kết với nhau thành đường dây, thường xuyên sử dụng ĐTDĐ để thông báo tình hình cho đồng bọn hành nghề. Để giải quyết tình trạng này, lực lượng công an sẽ tiếp tục duy trì tuần tra, áp dụng cùng lúc các hình thức xử lý mạnh nhất; đồng thời đề xuất áp dụng lại cơ chế đặc thù tại địa bàn trung tâm theo hướng sàng lọc, đưa những đối tượng thường xuyên đeo bám khách du lịch, gây mất ANTT và mỹ quan đô thị vào các trung tâm giáo dục của thành phố.