Đến làng Sình xem làm tranh cổ

ANTĐ - “Xóm Lại Ân canh gà xào xạc /Giục khách thương mua một bán mười... ”Câu thơ chừng ấy cũng đủ nói lên sự phát triển trù phú một thời của làng Sình. Làng nằm bên bờ tả sông Thanh Hà - một bến nhỏ, còn có tên là Phố Lở. Sình hay Sinh là tên nôm của làng Lại Ân, cách Huế chừng 7km về phía Đông Bắc. 

Làng Sình nổi tiếng bởi nghề làm tranh khắc phục vụ tín ngưỡng và thờ cúng. Tranh làng Sình có thể sánh với các dòng tranh dân gian miền Bắc như  Ðông Hồ, Hàng Trống… một thời đã lưu hành khắp vùng Thuận Quảng. Ðể làm tranh, người làm tranh có khi phải lên tận rừng già phía Tây. Các màu trong tranh đều được tạo ra từ chính những cây cỏ hoặc là có sẵn trong vùng. Vì thế, màu sắc của tranh cũng vô cùng đặc biệt, không trùng lặp với màu sắc của dòng tranh truyền thống nào.

Người làm tranh ở Làng Sình từ lâu đã  biết dùng cây cỏ trong vườn để tô màu, hạt mồng tơi cho màu xanh dương, hạt hòe cho màu vàng đỏ, muốn màu đỏ sẫm hơn thì pha thêm nước lá bàng. Ngoài ra người làng Sình còn dùng đá son để lấy màu đỏ, bột gạch để có màu đơn. Màu đen được dùng nhiều nhất, để tạo ra màu đen cũng phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, người ta lấy rơm gạo nếp đốt cháy thành tro, sau đó hòa tan trong nước, lọc sạch để lấy một thứ nước đen, đem cô lại thành một thứ mực đen bóng. Những màu sắc được các nghệ nhân tranh làng Sình quen sử dụng là các màu xanh dương, vàng, đơn, đỏ, đen, lục. 

Du khách bốn phương, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài đặc biệt yêu thích tranh làng Sình. Những năm trở lại đây, ngày nào làng cũng đón tiếp khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu nét đẹp văn hóa và mua tranh làm quà lưu niệm. Đến với làng Sình, du khách còn thử tự vẽ cho mình những bức tranh riêng rồi mang về làm quà kỷ niệm. Bởi vậy mà làng nghề không những được bảo tồn mà còn ngày càng phát triển. Đây cũng là mong ước của những người dân làng Sình để có cơ hội gìn giữ, quảng bá và phát triển nghề cũ cha ông mà còn là cơ hội để cho người dân làng Sình có thể sống mãi với nghề truyền thống.