Đem trọn vẹn sức lực chiến đấu với dịch bệnh, làm tất cả vì sức khỏe của nhân dân (Bài 5): Sáng mãi những điểm tựa trong lòng nhân dân, vì nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong cuộc chiến với đợt dịch Covid-19 lần thứ tư và trong suốt 2 năm trở lại đây, toàn lực lượng Công an Hà Nội không một ai lùi bước, nản lỏng, không trận tuyến nào dao động. Trong cuộc chiến đầy cam go với “kẻ thù vô hình” SARS-CoV-2, cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô đã có hàng trăm trường hợp thuộc diện F0, F1…, nhưng tại 175 phường, 383 xã và 21 thị trấn, tất cả mang theo mình một mệnh lệnh từ trái tim, một ý chí xuyên suốt từ Đảng bộ CATP Hà Nội đến từng chi bộ Công an xã, phường, thị trấn rằng - ở đâu người dân còn gặp khó khăn, nguy hiểm, chiến sĩ Công an sẽ có mặt!

Niềm tin của nhân dân vào lực lượng Công an ngày càng được khẳng định

Ngày 13-10, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen lực lượng Công an xã, thị trấn trên toàn quốc. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá cao lực lượng Công an cơ sở cùng một lúc phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ. Đặc biệt, lực lượng Công an xã, thị trấn đã rất nỗ lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, phối hợp với lực lượng y tế rà soát, tổng hợp số người dân đã tiêm vaccine phòng Covid-19 để nhập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”, đồng thời phải thường trực 24/24 giờ để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, trực tiếp tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trước đó, tại Hội nghị của Bộ Công an về tổng kết công tác Công an trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Bộ Công an đã nhấn mạnh: “Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện cho đến nay, sự đánh giá của cấp ủy, chính quyền các cấp về lực lượng Công an nhân dân rất cao, đó là trong công tác tham mưu hết sức kịp thời, hoạt động rất hiệu quả của Công an các cấp, đặc biệt là Công an các đơn vị, địa phương. Niềm tin của nhân dân vào lực lượng Công an ngày càng được khẳng định…”.

Với Công an Hà Nội, trong cuộc chiến đằng đẵng gần 2 năm qua, nhất là hơn 60 ngày đêm của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội luôn dành sự quan tâm, chia sẻ đặc biệt đối với Công an cấp cơ sở. “Ngăn và chặn được “giặc” Covid-19 phải làm ngay từ gốc, kiểm soát chặt chẽ hoạt động ra vào ở các tổ dân phố, khu dân cư. Lực lượng Công an cơ sở, chỉ huy Công an phường, thị trấn phải nhận thức, triển khai, phát huy quyết liệt tinh thần này” - người đứng đầu CATP Hà Nội xác định và cũng là sự bày tỏ niềm tin lớn vào Công an cơ sở, trong đó không thể thiếu trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.

“Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện cho đến nay, sự đánh giá của cấp ủy, chính quyền các cấp về lực lượng Công an nhân dân rất cao, đó là trong công tác tham mưu hết sức kịp thời, hoạt động rất hiệu quả của Công an các cấp, đặc biệt là Công an các đơn vị, địa phương. Niềm tin của nhân dân vào lực lượng Công an ngày càng được khẳng định…”.

Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn (Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng bn Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Bộ Công an)

“Phức tạp, nguy hiểm, khó lường” - những tính từ ấy lột tả cơ bản diễn biến, tình hình dịch bệnh Covid-19 suốt từ năm 2020 đến thời điểm này. Năm công tác 2021, trên mặt trận đảm bảo an ninh, trật tự, giữ gìn sự bình yên cuộc sống nhân dân; có những nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng được Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP Hà Nội xác định trước. Là đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; và bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp khóa 2021 - 2015. Là Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chiến dịch cấp Căn cước công dân gắn chíp, với yêu cầu, phương châm “Thần tốc, sáng tạo; phát huy cao độ các nguồn lực; quyết tâm hoàn thành các mục tiêu”… Dịch bệnh Covid-19 chính là thách thức lớn đối với những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng này.

Nhưng, đối với lực lượng vũ trang, mệnh lệnh đã ban hành, mọi lực lượng, vị trí đều phải nỗ lực hoàn thành. Với Công an Thủ đô, những nhiệm vụ chính trị được triển khai chung trong toàn lực lượng đó, càng phải hoàn thành trách nhiệm hơn, điển hình hơn và xuất sắc hơn.

Lực lượng Công an cơ sở tại chốt trực ở phòng tuyến Văn Chương - Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội (ảnh: Linh Nhi)

Lực lượng Công an cơ sở tại chốt trực ở phòng tuyến Văn Chương - Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội (ảnh: Linh Nhi)

Nhiệm vụ đang chờ mình, nhân dân đang cần mình

“Giặc… Covid-19” đến thời điểm này của năm 2021, có thể coi đã tạm lắng đi sự khốc liệt, hiểm nguy. Nhìn lại những ngày của “trận đánh” đã qua, ngẫm lại khối lượng công việc mà Công an Hà Nội nói chung, lực lượng Công an cơ sở (Cảnh sát khu vực, Công an xã…) đã làm, thật khó hình dung sức người lại có thể đảm đương được và hoàn thành tốt như vậy. Thẳng thắn để nói rằng, những nhiệm vụ - mặt trận đó không có chỗ cho những người thiếu trách nhiệm, thiếu dũng cảm; không có thời gian cho những đắn đo, lựa chọn; và càng không cho những khoảnh khắc của cái tôi, của niềm riêng. Tất cả chỉ thật đơn giản và rõ ràng: Nhiệm vụ đang chờ mình, nhân dân đang cần mình.

Câu lạc bộ Phản ứng nhanh hiến máu tình nguyện được thành lập đánh dấu một bước phát triển mới của phong trào hiến máu trong toàn Công an thành phố Hà Nội

Câu lạc bộ Phản ứng nhanh hiến máu tình nguyện được thành lập đánh dấu một bước phát triển mới của phong trào hiến máu trong toàn Công an thành phố Hà Nội

Thông tin đầu tiên về ca “F” ở địa bàn dân cư, bất kể đêm - ngày - mưa - nắng, cán bộ Cảnh sát khu vực, Công an xã phải có mặt. Trong khi đại bộ phận người dân chỉ nghe hai tiếng “có F” là hoang mang, lo lắng thì Công an cơ sở, cùng với cán bộ y tế là những lực lượng đầu tiên có mặt, để truy vết, khoanh vùng và bao trùm trong đó phải phát hiện và xử lý kịp thời mọi diễn biến ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Hết “F”, dỡ phong tỏa, tháo cách ly, nhịp sống bình thường mới trở lại, Công an cơ sở mới rời vị trí, sẵn sàng bắt tay nhiệm vụ mới.

4.633 Tổ Covid-19 cộng đồng với hơn 28.000 nhóm được triển khai trong đợt dịch lần thứ tư này trên địa bàn TP Hà Nội, chiếm phần lớn nhiệm vụ Tổ trưởng do cán bộ Cảnh sát khu vực đảm trách. Không phải Cảnh sát khu vực đông hơn các lực lượng khác. Chuyên môn, kiến thức y tế cũng không bằng cán bộ chuyên ngành; song nhiệm vụ Tổ trưởng phải làm, bởi đúng như đánh giá của nhiều lãnh đạo quận, huyện, của chính người dân, thì: “Điểm chốt, phần việc mà không có sự tham gia của Công an, thì công tác phòng, chống dịch bệnh khó hiệu quả triệt để”. Xem đó là sự đánh giá, ngợi khen, song cũng chính là trọng trách, áp lực lớn đối với cán bộ chiến sĩ Công an cơ sở.

Đội hình kiểm soát cửa khẩu vào phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội những ngày phong tỏa

Đội hình kiểm soát cửa khẩu vào phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội những ngày phong tỏa

Dựa vào dân, giúp đỡ dân, cùng nhân dân chống “giặc… Covid-19”

Hà Nội 10 tháng của năm 2021, từng ấy thời gian phòng, chống “giặc… Covid-19” có thể chia làm 5 giai đoạn. Đó là giai đoạn dịch bệnh xuất hiện các ca mắc mới, có trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 liên quan đến ổ dịch ở Hải Dương và Quảng Ninh (từ tháng 1 đến tháng 4-2021); giai đoạn thành phố ghi nhận các ca mắc ngoài cộng đồng, có lịch trình di chuyển phức tạp (từ tháng 4 đến tháng 6-2021); giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, biến chủng Covid-19 mới (chủng Delta) có tốc độ lây lan nhanh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam; và Hà Nội ghi nhận nhiều ca mắc là người trở về từ các tỉnh, thành phố có dịch (từ tháng 6 đến ngày 23-7-2021); giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn cả nước và thành phố (từ ngày 24-7 đến ngày 6-9); giai đoạn thành phố tập trung kiểm soát, phân vùng có nguy cơ cao, giảm áp lực về giãn cách xã hội đối với các vùng đã giảm nguy cơ để đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của nhân dân (từ ngày 1-9 đến nay).

Công an Hà Nội tổ chức đón, dẫn an toàn người dân từ vùng dịch trở về quê đi qua Thủ đô

Công an Hà Nội tổ chức đón, dẫn an toàn người dân từ vùng dịch trở về quê đi qua Thủ đô

Trong từng giai đoạn ấy, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Bộ Công an, thành phố, CATP Hà Nội đã chủ động, linh hoạt cụ thể hóa thành các kế hoạch, phương án thực hiện quyết liệt “mục tiêu kép”, với nền tảng là sự hình thành khoa học thế trận kiên cố bên ngoài, vững chắc bên trong, chú trọng phát huy trách nhiệm, hiệu quả lực lượng tại chỗ, Công an cơ sở.

Khi triển khai mọi kế hoạch, phương án, Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP Hà Nội luôn quán triệt rõ với cấp ủy, chỉ huy từng đơn vị, lực lượng, đó là tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân. Và qua công việc, trong chiến đấu, phải để người dân thấy được, hiểu được những nhiệm vụ, hy sinh đều vì cộng đồng, vì bình yên và hạnh phúc của người dân.

Hàng nghìn đơn vị máu đã được cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội, lực lượng Công an cơ sở hiến tặng trong riêng đợt dịch Covid-19 lần thứ tư. Nhiều tỷ đồng, cả tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm, đã được cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô đóng góp, kêu gọi vận động từ các nhà hảo tâm, rồi trực tiếp chuyển tặng đến những cá nhân, gia đình gặp khó khăn do dịch bệnh. Cũng rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô đã trở thành… bác sĩ sản khoa bất đắc dĩ, giúp mẹ tròn con vuông, trong ca trực hay khi trên đường thực hiện nhiệm vụ.

Hy sinh niềm riêng, hạnh phúc cá nhân; kiên cường bám chốt, ứng trực 24/24 giờ ở những “điểm nóng” mặt trận phòng, chống dịch Covid-19; một trong những động lực lớn đối với cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô, đối với Công an cơ sở, là sự bình yên và chia sẻ của người dân. Một chai nước mát giữa trưa hè. Một tô cháo nóng đêm mưa. Một dòng tin nhắn qua mạng xã hội, báo về sự đoàn tụ gia đình sau những ngày giãn cách, phong tỏa… - đơn giản thôi, nhưng chứa đựng tình quân dân gần gũi, thắm thiết - để mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói chung và Công an Thủ đô nói riêng vững bước tiếp trên chặng đường dài!

Công an Hà Nội (trong 10 tháng của năm 2021 phòng, chống dịch Covid-19):

* Thành lập Sở chỉ huy phòng, chống dịch CATP Hà Nội, phân công cụ thể nhiệm vụ chịu trách nhiệm chỉ đạo đối với các đồng chí trong Ban Giám đốc và Trưởng các phòng nghiệp vụ có liên quan.

* Tham mưu UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiện toàn 4.633 Tổ Covid-19 cộng đồng với hơn 28.000 nhóm; phân công Cảnh sát khu vực, Công an xã, phường đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng.

* Triển khai 23 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ lớn; 44 chốt kiểm soát tại các đường nhánh, đường ngang để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát người, phương tiện ra vào thành phố nhằm phòng ngừa mầm bệnh xâp nhập.

* 100% các vùng phong tỏa, địa điểm cách ly, cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, các trường hợp cách ly tại gia đình, cộng đồng đều có lực lượng Công an làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự.

* Triển khai tháng cao điểm, tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, phòng chống tội phạm, đảm bảo cuộc sống ổn định của nhân dân.

* Triển khai 12 Tổ cơ động mạnh hỗ trợ các địa bàn, kiểm soát lưu động các tuyến đường. Cùng với đó, chỉ đạo thành lập 1.108 Tổ tuần tra lưu động ở Công an cấp cơ sở, phục vụ đắc lực cho các chốt kiểm soát.

* Phối hợp các lực lượng chức năng xử phạt trên 46.000 trường hợp vi phạm nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, tổng số tiền hơn 60 tỷ đồng…