Đề xuất xóa tiền lãi chậm đóng với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội không có khả năng thu hồi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cơ quan Bảo hiểm xã hội đề xuất trích kinh phí kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để giải quyết chế độ cho người lao động tại các đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội không có khả năng thu hồi.
Đề xuất xóa tiền lãi chậm đóng với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội không có khả năng thu hồi ảnh 1

206.468 lao động bị ảnh hưởng quyền lợi do các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội không có khả năng thu hồi

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có báo cáo vừa gửi Bộ LĐ-TB&XH về thực trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và đề xuất giải pháp xử lý tình trạng chậm đóng, tồn đọng kéo dài, không có khả năng thu hồi.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến hết năm 2022, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là 13.156 tỷ đồng, chiếm 2,91% số phải thu.

Trong số tiền chậm đóng này, khó khăn nhất là việc thu và giải quyết quyền lợi cho người lao động tại các đơn vị chậm đóng và các đơn vị chậm đóng không có khả năng thu hồi.

Cụ thể, đến hết năm 2021, có khoảng 26.670 đơn vị với 206.468 lao động tại các đơn vị chậm đóng không có khả năng thu hồi, với số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là 3.176 tỷ đồng.

Trong đó, đơn vị phá sản là 1.473 đơn vị, tương ứng với 22.897 lao động, tổng số tiền chậm đóng là 323 tỷ đồng; đơn vị đang làm thủ tục giải thể là 1.379, tương ứng 11.620 lao động, số tiền chậm đóng 90 tỷ đồng.

Đơn vị không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh là 8.280, tương ứng với 71.459 lao động, tiền chậm đóng là 1.227 tỷ đồng; đơn vị không có người đại diện pháp luật là 15.538, tương ứng 100.492 lao động, tiền chậm đóng là 1.535 tỷ đồng.

Trong số 206.468 lao động tại các đơn vị chậm đóng không có khả năng thu hồi, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã giải quyết chế độ hưu trí cho gần 2.300 người; 535 người lao động đã được giải quyết chế độ tử tuất, hơn 27.400 người được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần.

Cùng với đó, 34.575 người đã được xác nhận quá trình tham gia trên sổ bảo hiểm xã hội để bảo lưu quá trình; 77.627 người đang tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tại các đơn vị mới.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án giải quyết chế độ cho người lao động ở các đơn vị chậm đóng không có khả năng thu hồi.

Cụ thể, về xử lý đối với số tiền chậm đóng không có khả năng thu hồi từ ngày 31/12/2021 trở về trước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất xóa tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (914 tỷ đồng).

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Các tổ chức tín dụng thì các khoản được ưu tiên trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có bao gồm tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tuy nhiên không phải là khoản thanh toán đầu tiên mà sau chi phí phá sản, nợ lương, trợ cấp thôi việc...

Do vậy, về cơ bản các doanh nghiệp khi thanh lý tài sản không thu hồi được, hoặc thu hồi được rất ít so với các khoản chậm đóng bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, pháp luật chưa quy định đối với các doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; đơn vị không có người đại diện theo pháp luật còn chậm tiền đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội khi chủ doanh nghiệp, hoặc người đại diện doanh nghiệp đăng ký thành lập doanh nghiệp mới phải có nghĩa vụ hoàn thành tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, nên không có khả năng thu hồi số tiền chậm đóng và lãi chậm đóng tại đơn vị cũ.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề xuất lấy từ nguồn kinh phí kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động tại các đơn vị không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; đơn vị đang làm thủ tục giải thể; đơn vị đã phá sản; đơn vị không có người đại diện theo pháp luật (2.262 tỷ đồng).

Đối với việc xử lý chậm đóng, trốn đóng từ 1/1/2022 trở đi, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị quy định rõ về chậm đóng, trốn đóng và áp dụng mức xử phạt đối với hành vi này.

Đồng thời, bổ sung các biện pháp ngăn chặn tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội như: Ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên.

Quy định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương về nắm bắt, theo dõi tình hình sức khỏe của doanh nghiệp.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề xuất thành lập Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp dự phòng rủi ro, trên cơ sở trích từ số tiền người sử dụng lao động phải đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, mức cụ thể sẽ do Chính phủ quy định.

Mục đích chính là hỗ trợ để giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động các doanh nghiệp bị giải thể, phá sản... không có khả năng thu hồi số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội. Mặt khác có thể sử dụng quỹ này để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do thiên tai, dịch bệnh.

Đối với số tiền chậm đóng phát sinh không có khả năng thu hồi từ 1/1/2022 đến trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến năm 2025) được đưa vào điều khoản chuyển tiếp để có nguồn kinh phí thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.