Đề xuất tăng lương hưu 20,8%, cơ quan thẩm định nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Tư pháp cho rằng, việc cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất mức tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2023 đối với các đối tượng chưa được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP là có cơ sở, bảo đảm tính tương quan giữa các đối tượng.
Đề xuất điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng từ 1/7/2023

Đề xuất điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng từ 1/7/2023

Bộ Tư pháp vừa có báo cáo gửi Bộ LĐ-TB&XH về việc thẩm định đối với dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Tại dự thảo Nghị định, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng từ 1/7/2023 với hai mức 12,5 và 20,8% tùy từng nhóm đối tượng.

Cụ thể, cơ quan soạn thảo đề xuất tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2023 đối với các đối tượng đã được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP ngày 7/12/2022 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6 năm 2023.

Theo Bộ Tư pháp, mặc dù Nghị quyết số 69/2022/QH15 chỉ quy định 01 mức tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội là 12,5% cho đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; không quy định mức tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2023 đối với các đối tượng quy định khoản 1 Điều 1 dự thảo Nghị định chưa được điều chỉnh theo Nghị định 108/2021/NĐ-CP.

Tuy nhiên, căn cứ Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội về việc Chính phủ có thẩm quyền quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội và theo giải trình tại Mục IV.2.2 Tờ trình số 20/TTr-LĐTBXH và Mục II.2 Báo cáo đánh giá tác động chính sách, việc cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất mức tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2023 đối với các đối tượng quy định khoản 1 Điều 1 dự thảo Nghị định chưa được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP là có cơ sở, bảo đảm tính tương quan giữa các đối tượng.

Tuy nhiên, để có căn cứ trình Chính phủ xem xét, quyết định, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, làm rõ lý do, căn cứ, cơ sở, nguồn lực bảo đảm thực hiện đề xuất tăng thêm mức 20,8% cho các đối tượng nêu trên tại Tờ trình Chính phủ (trong đó lưu ý bổ sung ý kiến của Quốc hội về vấn đề này trong quá trình xây dựng, ban hành Nghị quyết số 69/2022/QH15).